1. Trí phán đoán số 1: Thường được tài liệu thực dưỡng gọi là giai đoạn máy móc, mù quáng. Hay là phán đoán theo phản xạ. (Trong trường hợp cá nhân cần cách xử lý tình huống mới phát sinh.) Và hành động theo quán tính, thói quen. (Trong trường hợp cá nhân đã nhiều lần làm 1 loạt hành động nên tập thành thói quen đã làm là phải làm đủ bộ, nhưng chả bao giờ thử lý giải tại sao mình lại làm thế cả.) Tất cả các dạng phản xạ có và vô điều kiện đều thuộc dạng phán đoán này. Tính từ phản ứng tiết nước bọt khi nghe nhắc đến 1 loại trái cây chua, cho tới những phản xạ phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo như tung hứng chuẩn xác 1 vật. Nó và trí phán đoán số 2, phán đoán theo cảm giác là 2 dạng phán đoán chính của cơ thể vật lý. Cũng là 2 dạng phán đoán cho ra quyết định hay hành động nhanh nhất, thông thường là, nhanh hơn suy nghĩ. Những người nặng về trí phán đoán số 1, 2, 3 ở nước ta thường được các bạn trẻ gọi chung là hội não tàn, ra đường quên mang não theo, bị rơi mất não, đầu bị nước vào và nhiều danh từ thi thú khác.
Có 1 câu chuyện kể rằng, ngày xưa, thư viện lớn nhất thế giới là thư viện Alexandria ở Địa Trung Hải từng bị người Thiên Chúa Giáo đem ra đốt. Hoạt động hôi của khi thư viện cháy đã làm 1 số cuốn sách quý may mắn thoát nạn trôi nổi ra chợ đen. Một người đã may mắn mua được 1 cuốn sách quý trong đó. Cuốn sách nói về viên đá thần có thể biến chì thành vàng, và chỉ ra rằng nó nằm ở 1 bờ biển nọ. Ở đó có rất nhiều đá, nhưng viên đá này khác các viên đá khác ở chỗ bản thân nó có độ ấm tự nhiên toả ra từ bên trong. Người này liền sửa soạn đến cắm trại ở lâu dài bên bờ biển đã nói tới. Mỗi ngày, anh ta đi dọc bờ biển, nhặt từng viên đá lên, nắm thử vào tay xem nó có độ ấm không, nếu không có thì vứt xuống biển. Anh ta rất kiên trì, từ ngày này qua tháng khác, cứ nhặt đá lên, cầm trên tay 1 lúc, ném xuống biển, rồi lại nhặt đá lên, cầm 1 lúc, ném xuống biển, nhặt đá lên, cầm 1 lúc, ném xuống biển, nhặt, cầm, ném, nhặt, cầm, ném, nhặt, cầm, ném... Cho tới 1 ngày kia, anh ta nắm chặt 1 viên đá mới nhặt được lên và cảm thấy bản thân nó đang toả ra hơi ấm. Sau đó anh ta ném nó xuống biển. Sau đó...
Chậc, nói chung, đó là 1 câu chuyện kể về sức mạnh chi phối hành vi con người của thói quen, nhất là thói quen lâu ngày. Cá nhân tôi thì thấy anh ta đã gặp may mà không biết, vì khoa học thời nay cho biết nếu có 1 viên đá diệu kì như thế đúng là nó có độ ấm, bởi vì bên trong nó có phóng xạ, mạnh là khác. Nhưng mà nói như vậy thì hình như bắt đầu lạc đề. Nhiều người chửi rủa chê bai trí phán đoán số 1 mà quên mất rằng, trên đời này, cái gì cũng có ích cả, miễn là được đặt vào đúng vị trí cần nó. Với tư cách của loại phán đoán giúp đưa ra quyết định nhanh chóng nhất, trí phán đoán số 1 tham gia vào các quyết định chóng vánh mà ở đó ta để thói quen hay bản năng chi phối, không cần sự tham gia của não bộ. Thông thường, nó bị ức chế, cho tới khi cá nhân cảm thấy môi trường xung quanh là vô cùng quen thuộc, kích thích họ bung ra loại thói quen tương ứng.
Một trí phán đoán số 1 lành mạnh thì đi cùng 1 nhịp sống lành mạnh, phù hợp với đồng hồ sinh học của cơ thể. Con người không chỉ cảm thấy tự nhiên hơn khi về nhà hoặc ở giữa nhóm bạn thân, cơ thể họ cảm nhận được những thay đổi nhỏ nhặt từ thời tiết, thời gian, cảm nhận được, tuy không rõ ràng lắm nhịp điệu lên xuống của khí trong 12 đường kinh theo thời gian, cho nên khi vị khí trưởng, họ thấy đói, can khí trưởng, họ muốn luyện công, khụ, nhầm nhầm, muốn đi ngủ. Đa phần con người hiện đại bị rối loạn cảm nhận về thời gian, và 1 bài tập rất tốt giúp tổ chức lại thói quen này là sáng dậy sớm và dùng 1 bài thể dục hay Yoga để chào mừng mặt trời mọc.Hầu hết các truyền thống dưỡng sinh đều có dạng bài tập này.
Theo tôi dạng phán đoán này dễ tìm thấy nhất trong các phản xạ có điều kiện, và chính việc tuân thủ 1 loạt phản xạ có điều kiện theo 1 thứ tự xác định trong thời gian dài đã tạo thành cái mà chúng ta gọi là thói quen. Có người thấy trái mơ thì chảy nước miếng, có người thấy nó thì có cảm giác ê hết cả răng, đó chính là 1 loại phản xạ có điều kiện, đã được ghi nhớ tự động, có lẽ sau lần đầu tiên bạn cắn thử 1 trái chẳng hạn. Tuy nhiên, khi bắt đầu tiên quan đến việc chọn lựa theo chi phối của cảm giác dễ chịu hay khó chịu, nó đã chuyển kênh sang trí phán đoán số 2.
Dạng phán đoán bản năng, máy móc này trong cuộc sống không phải là ít. Ai đã từng xây nhà có thể sẽ đụng những bác thợ xây khéo tay và lành nghề nhưng sểnh 1 cái là xây theo ý mình chứ không theo thiết kế và chỉ dẫn. Những bà chủ quán sào sẻ, khéo mồm nhưng bạn vừa dặn dứt mồm bát cháu không cho mì chính nhé đã thấy 2 thìa to được đổ vào với tốc độ ánh sáng. Và một ông giáo sư khoa Triết nào đó đã đặc biệt mua 1 cái bô nhựa để đựng cơm đem đi làm, dù có phân tích cho cả khoa hiểu rằng loại nhựa này và nhựa làm bát đĩa nhựa là như nhau, chỉ có hình dáng là khác biệt, và cái bô này mới tinh, từ lúc mua về chỉ để đựng cơm thì rất nhiều đồng chí giảng viên học thức đầy mình vẫn cảm thấy dạ dày đang trào ngược mỗi khi nhìn giáo sư Triết Học ăn cơm. Nói chung, khi giáo sư dùng trí phán đoán số 4 thì cả khoa đều dùng phán đoán số 1, số 2 khi đối đầu với cái bô đựng cơm của giáo sư, cho nên có 1 sự thật là giáo sư có thể thoải mái mà ... ăn mảnh công khai.
Trước khi đi đến giai đoạn số 4 của phán đoán, cá nhân thường hành động mà không hề cân nhắc gì đến nguyên nhân và kết quả của hành vi. Trong những trường hợp tiêu cực, ta gọi đó là loại hành vi bất chấp hậu quả. Tôi không nói hành động bất chấp hậu quả là xấu, có đôi khi như thế rất dũng cảm, nếu cá nhân biết rõ mà vẫn chủ động dấn thân. Nhưng làm việc bất chấp hậu quả, rồi đến khi hậu quả đến lại ngoạc mồm ra kêu thì rất tệ. Người như thế đánh chết cũng không hiểu mình đã làm sai ở đâu. Cho nên cũng không hiểu nhân quả trên đời rất công bằng, họ luôn than thân trách phận khi gặp vận xui, đắc ý khi gặp thuận lợi, may mắn. Đương nhiên không thể hiểu được câu "kẻ biết mình không trách người, kẻ biết mệnh không trách trời".
Có lúc, không thèm để ý hậu quả việc mình làm cũng chả sao, hay ít ra, hậu quả nó không nhãn tiền. Nhưng có 1 câu chuyện kinh điển đã được đưa ra làm ví dụ khi giảng dạy về tâm lý con người thế này. Có 1 người không biết bơi và rơi xuống sông, anh ta hét to, cứu tôi với. Một người trên bờ nghe được đã nhao người ra lan can và hét to, đưa tay cho tôi, nạn nhân... đứng hình, không làm gì hết, sau đó chìm nghỉm. Không ai hiểu vì sao kẻ sắp chết đuối kia lại làm như thế. Còn các nhà tâm lý học thì phân tích, phân tích, sau đó đưa ra giả thuyết là vì anh ta là người cực kì tư lợi và keo kiệt, cho nên khi nghe thấy người ta bảo đưa cho người ta, anh ta liền... không làm. Tại sao? Ngại quá, quen thế rồi! Giá mà người muốn cứu anh ta bảo, nắm lấy tay tôi thì anh ta đã được cứu. Câu chuyện này có sức thuyết phục khá cao, cho nên như bạn thấy đấy, thói quen thâm căn cố đế có sức mạnh điều khiển con người sâu sắc và mạnh mẽ hơn họ tưởng. Những thói quen dạng này càng ăn sâu, khi rơi vào tình huống không thích hợp để sử dụng nó mà lại đem nó ra sử dụng, họ càng hay phải lãnh đủ thứ hậu quả. Với tư cách 1 người phương Đông, chúng ta có thể gọi loại thói quen và phản xạ tức thời này là 1 dạng của Nghiệp.
Những người sống không thuận tự nhiên thường có 1 loạt thói quen xấu, còn những người sống thuận tự nhiên thường có 1 loạt thói quen tốt làm tiền đề cho mọi loại phán đoán phát sinh ở đoạn sau. Từ chuyện tối mấy giờ đi ngủ, sáng mấy giờ dậy, có ngủ trưa không, 3 bữa ăn gì, có ăn vặt không, uống nước nhiều hay ít, có tập thể dục buổi sáng không, bao lâu đi tập Gym hay Yoga 1 lần, nằm nhiều hay ngồi nhiều hay đi lại nhiều, mỗi ngày có đọc sách không ...v.v... Có rất nhiều hoạt động trong cuộc sống rõ ràng phải tham khảo cái thời gian biểu cố định này thì mới có thể thuận lợi tiến hành.
Có 1 bộ phim câm của Charlie Chaplin diễn tả 1 người công nhân trong 1 dây chuyền sản xuất có công việc chuyên môn là vặn ốc vít, mỗi ngày anh ta dùng 10 tiếng đồng hồ để vặn, vặn, vặn. Dần dần, anh ta bị cái cờ lê ám ảnh, sau đó vớ được cái gì cũng đè ra vặn, vặn, vặn. Tất nhiên, thời nay công việc đòi hỏi độ chính xác cao đa phần đã giao cho Robot tự động tiến hành. Nhưng chúng ta đều biết con người hiện đại cũng làm nô lệ cho rất nhiều thói quen vô ý thức của mình, từ chuyện nhỏ như vứt rác ra đường, nhổ nước bọt, chen chen lấn lấn trong đám tắc đường làm đường càng tắc thêm dù không ai biết vội để đi đâu, cho đến chuyện lớn như... không muốn đưa cái gì cho ai mà tôi đã kể ở trên, và còn nhiều loại thói quen khác, có thể là bình thường, vào 1 ngày bình thường, nhưng sẽ trở nên đáng quan ngại, vào 1 thời khắc không bình thường. Đó là lý do, một người cần phải làm chủ nhân của trí phán đoán số 1 của mình chứ không nên để nó trở thành chủ nhân của họ.
Bài viết này thuộc loạt bài 7 giai đoạn của trí phán đoán.
Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét