2. Trí phán đoán số 2: Bước qua giai đoạn đáp ứng phản xạ có điều kiện và hành động theo thói quen, chúng ta đến với giai đoạn có độ khó cao hơn của trí phán đoán, gọi là phán đoán theo cảm giác. Bây giờ vấn đề không còn cần chúng ta phải đưa ra cách xử lý ngay lập tức nữa, chiếc kim chỉ nam cho đúng và sai ở đây chính là cảm giác dễ chịu hay khó chịu có được tuỳ theo chọn lựa. Tóm lại, bây giờ thì quán tính là không đủ để đưa ra quyết định. Có lúc đáp án lại thuộc về câu trả lời cho câu hỏi làm sao cho sướng?
Có lúc, con người cố thủ với trạng thái của phán đoán số 1 và rất khó chuyển tiếp sang số 2, ta gọi là tình trạng khổ quen rồi sướng không chịu được, hiểu nôm na là khi chuyển qua 1 tình cảnh tốt hơn cũ người ta cảm thấy không được tự nhiên, cho nên chỉ nhăm nhăm muốn quay về với cái máng lợn cũ, Ngược lại, cũng có lúc, việc sử dụng phán đoán số 2 diễn ra rất tự nhiên, nhẹ nhàng. Tôi từng xem 1 Clip 3D dài 7 phút có tên là "Sợi Len Cuối Cùng" về 1 người đàn bà ngồi đan bên miệng vực, nó diễn tả sự khó khăn khi từ bỏ 1 thói quen cũ khi nó dần dần trở thành gánh nặng, nhưng vì người ta chỉ làm việc theo quán tính mà chẳng động não tư duy gì hết, hay cũng có động não tư duy, nhưng là đi theo 1 lối mòn nào đó thay vì cân nhắc nhân quả, được mất tổng thể. Người đàn bà trong Clip rốt cục đã từ bỏ được 1 thói quen cũ vì cuối cùng bà ta cũng nhận ra điều đó làm bà ta thấy dễ chịu, nhẹ nhõm hơn, sau khi đã hết chịu nổi chính thói quen cũ của mình. Và thực ra, khó mà coi đó là 1 sự tiến bộ bởi bà ta đã bắt đầu 1 thói quen mới khó hiểu khác.
Con người nặng phán đoán số 1 bị Nghiệp dẫn đi, còn con người nặng phán đoán số 2 thường để dục vọng của mình dẫn đi. Họ nói cho sướng miệng mà chẳng quan tâm người nghe cảm thấy gì. Họ ăn cho sướng mồm không cần biết thức ăn đi vào người họ sẽ biến hoá ra sao, đem lại tác dụng hay hiệu quả thế nào, thậm chí nếu có người muốn cho họ biết thì họ còn nhảy dựng lên, bĩu môi bĩu mỏ hoặc cho vào tai này ra tai kia. Họ dùng trí phán đoán số 4 để đặt đồng hồ báo thức quyết tâm dậy sớm vào sáng hôm sau, sau đó đối xử với cái đồng hồ bằng trí phán đoán số 2 vào lúc nó báo giờ, đại ý có thể là, đứa nào ngăn ông mày ngủ tiếp, giết không tha chẳng hạn. Nói chung, con người ta có thể sử dụng nhiều mức phán đoán khác nhau, vấn đề nằm ở chỗ đứa nào đóng vai trò chủ chốt khi đi vào tình huống thực tế, nhất là khi mức phán đoán khác nhau sẽ cho ra chọn lựa khác nhau.
Nếu phân tích kỹ, chúng ta có thể thấy luôn có 1 sự giao thoa giữa 2 dạng phán đoán bậc thấp này xuất hiện trong lúc con người tìm cách thoả mãn nhu cầu của bản thân mình. Trí phán đoán theo cảm tính này trong các trường hợp bình thường thực ra giúp ích rất nhiều trong việc trừ bỏ những chướng ngại tâm lý sinh ra từ sự cố chấp với những phản xạ máy móc đã tập thành với trí phán đoán số 1. Con đường trước mắt người có phán đoán số 1 mạnh là duy nhất, tuy chả biết nó dẫn đi đâu, nhưng họ vẫn chọn nó vì quen thế rồi. Nhưng trước mắt người có phán đoán số 2 mạnh thường có ngã ba, chọn lựa ở đây không hướng tới mục đích tối hậu nào đó, nó chỉ cần thoả mãn 1 yêu cầu là đường nào dễ đi hơn, thoải mái hơn thì chọn. Tóm lại, sự vượt trội của 2 mức phán đoán này thường tạo ra những kiểu người làm việc mà chẳng nghĩ gì đến hậu quả có thể tạo ra từ hành vi của mình.
Khi cơ thể bạn sạch sẽ và đầu lưỡi của bạn trung thực, luôn ăn những thực phẩm địa phương đúng mùa, tóm lại là sống thuận tự nhiên, những ý niệm chạy đến nhanh hơn cả suy nghĩ này là cả 1 pho từ điển sống để tra cứu nhanh vô cùng hữu ích. Khi bạn đã bỏ mì chính từ lâu, đột nhiên được mời ăn 1 thứ có quá nhiều mì chính, bạn cảm thấy hệ thần kinh của mình lãnh đủ tại trận, sau đó chỉ cần ai mời bạn món nào tương tự, bạn sẵn sàng nhè ra khỏi mồm ngay lập tức. Khi bạn cắn thử 1 miếng cà tím trong món ăn, nếu nó được sơ chế không đúng cách bạn có thể nhận ra ngay lập tức, vì cà tím là 1 món rất âm cần sơ chế tỷ mỉ để tạo ra hương vị vừa đúng. Khi bạn ốm, cảm giác thèm 1 món ăn ngon và lành nào đó thường có nghĩa là món ăn đó có lợi cho tình trạng sức khoẻ hiện tại của bạn. Khi thể tạng của bạn có khiếm khuyết về 1 hành nào đó trong ngũ hành, bạn thường đặt biệt thích hương vị của những thực phẩm bồi bổ cho phần thiếu hụt kia. Đó là lý do Thực Dưỡng nói với chúng ta rằng trong tự nhiên không có những con thú đau ốm, suy nhược và bị thần kinh, nhưng ở loài người và trong các trang trại nuôi gia súc gia cầm thì có.
Khi bạn đã sống trái tự nhiên quá lâu, sau đó quyết định sửa đổi (tất nhiên hoạt động sửa đổi này cũng cần sự tương hỗ của các mức phán đoán cao hơn), bạn có thể gặp 1 giai đoạn hỗn loạn do các phản xạ có điều kiện và thói quen của bạn vẫn xây dựng trên nền tảng của các thói quen cũ. Hôm nay bạn lỡ nêm hơi nhiều miso lâu năm vào món rau củ kho (dương) nên cảm thấy háo, tự dưng bạn thấy thèm 1 ly đá bào (âm) lạ. Nhưng sách dạy bạn ăn nước đá là không tốt, thế là bạn ngồi xoắn xuýt. Cả tuần nay ăn nhiều các loại rau xanh (âm), bỗng dưng mùi thịt kho (dương) từ nhà hàng xóm toả sang, bạn chảy nước miếng ào ào. Nhưng bác sĩ đã bảo bị bệnh gút như bạn phải hạn chế ăn thịt, hay vì Phật dạy sát sinh là nhân của nhiều nghiệp xấu, thế là bạn ảo não đấu tranh. Những đứa bé sinh ra trong các gia đình Thực Dưỡng được nuôi bằng thực phẩm sạch không hoá chất và phụ gia hay gia vị nhân tạo từ bé chẳng bao giờ xoắn xuýt giống bạn. Có 1 số người gặp trường hợp như bạn đã ăn ra rồi ăn vào trong 1 thời gian dài mới thích ứng được với 1 nhịp sống mới. Có người ăn ra rồi thua luôn không ăn vào nổi nữa. Có người kiên quyết làm chủ giác quan và nhu cầu của mình, đặt ra kỷ luật sắt cho bản thân. Nhưng khi đi khuyên bảo người khác thường vẫn rất thật thà mà bảo rằng, tuy rằng những thứ đó ngon nhưng rất có hại, mọi người không nên ăn. Nhưng nếu bạn đã ăn ra ăn vào nhiều lần rồi mới bỏ hẳn những thói quen cũ đi, bạn thường bảo người ta rằng, rồi sẽ có 1 ngày mày chả thấy những thứ giả dối trái tự nhiên ấy ngon lành vẹo gì đâu, nhưng chẳng ai tin bạn cả. Con người thường nghĩ rằng đầu lưỡi của mình đáng tin nhất và không ngờ rằng thứ đó có thể thay đổi khá là dễ dàng, tuỳ theo việc bạn cho nó ăn gì, 1 cách có ý thức mỗi ngày. Tóm lại, đó chính là đặc tính hướng tới các sự vật sự việc cụ thể nhưng thực ra hoàn toàn xây dựng trên ảo tưởng thường thấy ở giai đoạn số 1, số 2 của trí phán đoán.
Vì vậy, 1 chế độ ăn thuận tự nhiên vẫn là 1 chế độ ăn thật là kham khổ ...trong truyền thuyết.
Và "những ai có thể ăn nó cả đời" thường được "những người tin rằng mình không thể" kính trọng cho 1 ý chí khắc kỷ mạnh mẽ hoặc bị gọi là đồ dở hơi.
Và bạn sẽ không thể hiểu nổi Y học cổ truyền đã ra đời như thế nào nếu bạn không có 1 trí phán đoán số 1 và số 2 lành mạnh, sắc bén.
Nghe đồn người ta để 2 bắp ngô, 1 là ngô thường, 2 là ngô biến đổi gen cạnh gốc cây tức là tạo ra cơ hội cho lũ sóc lựa chọn thì bọn sóc chỉ gặm bắp ngô thường chứ không thèm nhìn ngô biến đối gen. Nhưng nếu đưa 2 bắp ngô này cho 1 người bình thường bảo họ chọn lấy 1 bắp mà ăn thì họ... chọn đại. Nói như vậy để bạn biết rằng ở hoàn cảnh mà trí não bất lực, còn bản thân phải tự đưa ra phán đoán, trí phán đoán số 1, số 2 của con người nó là thứ hàng vét đĩa đến mức nào, thậm chí còn không bằng 1 con sóc hay 1 con chuột. Có lẽ đó là lý do động vật không cần có trí phán đoán bậc cao, nhưng mà con người thì cần.
Tuy loài người còn có mấy cấp độ của trí phán đoán cao hơn mà động vật không có để bù đắp. Nhưng xui là làm người, không phải ai cũng sống với mấy mức phán đoán cao đó, còn vụ ảo tưởng rằng mình đang ở 1 mức phán đoán cao nhưng mọi hành vi đều thể hiện 1 mức phán đoán thấp là chuyện rất dễ tìm thấy ví dụ thực tế. Thực sự thì ở nhiều người, nhất là những người đã sống 1 lối sống trái tự nhiên lâu ngày, tôi cảm thấy coi sức phán đoán của họ là 1 thảm hoạ cũng không ngoa lắm. Không thế thì mấy đồng chí giảng viên vừa thao thao bất tuyệt giảng hút thuốc lá là có hại vừa phì phèo hút thuốc chui ở đâu ra? Mấy nữ đồng chí vừa bắt con gái ngồi làm cái thùng rác cho mình xả rác tâm lý, tức là cái cơn bất mãn lão chồng già, vừa thúc con mình mau lấy chồng chui ở đâu ra? Tất cả là vì, họ đều nghe nói đến và chấp nhận sự tồn tại của 1 mức phán đoán cao hơn, nhưng bản thân họ không làm theo được, họ không hoãn cái sự sung sướng của mình lại để nghĩ cho người khác được. Và ở giai đoạn 3 của trí phán đoán, người ta mới bắt đầu cân nhắc đến tâm trạng, tình cảm của người khác trước khi đưa ra quyết định của mình.
Những người quá nặng trí phán đoán số 2 thực ra chỉ bận tâm tới cảm thụ của mình và có rất ít lòng cảm thông, nhưng lại rất có khả năng tự phong cho mình là 1 người đa sầu đa cảm, có trái tim pha lê dễ bị tổn thương, sau đó nhân danh tình thương, tình yêu mà lên án người khác, thậm chí chà đạp tình cảm của người khác. (Còn sự tổn thương thực tế của họ chính là sự bất mãn khi người khác không chịu làm cho họ dễ chịu, không chịu đáp ứng các yêu cầu của họ mà chẳng nghĩ xem nếu đáp ứng những yêu cầu đó thì người ta sẽ khó xử thế nào.) Một số khác tự phong cho mình là 1 người rất tỉnh và đẹp trai nên mới không thèm cảm thông với mấy màn sụt sịt đáng thương của người khác, thực ra chỉ là họ cảm thấy đi chơi điện tử hay đi trà chanh chém gió luôn và ngay vui hơn là ngồi nhà nghe mẹ than phiền hay bố ca cẩm thôi. Thi thoảng cái đầu của họ nóng, thi thoảng nó lạnh, nhưng tim của họ thì lúc nào cũng lạnh.
Đừng bao giờ nhầm lẫn phán đoán theo cảm giác với phán đoán theo cảm tình, giai đoạn nâng cao tiếp theo của trí phán đoán. Khuynh hướng gắn bó với những đối tượng cho mình cảm giác dễ chịu tạo ra những mối quan hệ mà chúng ta vẫn gọi là yêu. Nhưng thiếu đi sự ưu ái và thiên vị, thiếu đi lòng tin cậy và sự biết ơn, những nhân tố thường gắn với giai đoạn thứ 3 của trí phán đoán trở lên, tóm lại, thiếu đi nhân tính, cảm tình lâu bền thật sự sẽ không xuất hiện. Người yêu khi đó chỉ là công cụ để thoả mãn 1 số nhu cầu có thể liệt kê ra được. Thân tình nhiều lúc chẳng là gì nhiều hơn 1 danh từ sáo rỗng. Tất nhiên, vì sự định hướng của 2 dạng phán đoán đầu tiên nằm ở mức hạ ý thức nên trong rất nhiều trường hợp, cá nhân mạnh 1 trong 2 dạng phán đoán này thường không hiểu vì sao mình bị mọi người chán ghét. Với tư cách 1 sinh vật có lối sống bầy đàn quần cư, chúng ta rất rất cần đến sự tồn tại của những dạng phán đoán cao hơn. Chẳng hạn, phán đoán theo cảm tình.
Bài viết này thuộc loạt bài 7 giai đoạn của trí phán đoán.
Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa