Thứ 7, 19/9 vừa rồi, mình đã tham dự lần gặp mặt đầu tiên của các Cọng Rơm đang cùng chung chí hướng trên con đường hướng tới Nông Nghiệp Tự Nhiên. Chương trình bao gồm phần tự giới thiệu bản thân của những ai tham dự. Một buổi trao đổi rất sống động, thiết thực về chuẩn quốc tế PGS cho nông sản hữu cơ dành cho các nhóm hộ nông dân vốn nhỏ, xây dựng trên nền tảng của nguyên tắc kiểm tra chéo đang áp dụng tại Việt Nam. Mình có ghi âm phần này, nhưng chất lượng ghi âm qua điện thoại không cao lắm, tạp âm nhiều.
Phần tiếp theo của chương trình là thăm quan trang trại Tuệ Viên do chị Liên, chủ nhân của trang trại làm người hướng dẫn. Phần này thì không ghi âm mà chỉ được ghi nhớ. Hôm nay, mình xin được dựa vào trí nhớ để kể về cái hay cái đẹp của trang trại Tuệ Viên mà mình được may mắn ghé thăm dưới sự hướng dẫn của bà chủ trại nhiệt tình. Có thể nói, nếu thiếu đi những chỉ dẫn, miêu tả, lời kể của chị ấy trong chuyến đi, mình đến trại cũng chỉ có thể nhìn mà không thể thấy. Bởi vì, chỉ có người đã sống với trang trại, đặt hết tâm tư, tình cảm của mình vào nó trong 1 khoảng thời gian thật dài, thật dài mới có thể hiểu rõ ý nghĩa của từng cành cây, ngọn cỏ trong khu trại mà thôi. Những gì mình sắp kể ra đã trở thành đúc kết, thành kinh nghiệm mà chị vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhưng con đường đi tới những đúc kết ấy, nhất định là đã nhận rất nhiều chông gai, mưa nắng, có rất nhiều thất bại, đòi hỏi nhiều quan sát và cả suy tư.
Trang trại rau hữu cơ Tuệ Viên là 1 địa chỉ rất chú trọng bảo vệ tính đa dạng sinh học của cây trồng. Trại nằm giữa những vườn ổi được canh tác theo kiểu thông thường hiện nay, so với việc nằm giữa những khu ruộng hay vườn rau bình thường, nhiều nguy cơ đã được giảm bớt, chẳng hạn, nguy cơ thu hút hay lây nhiễm các chủng sâu bệnh từ cùng giống cây trồng mọc ở các mảnh đất xung quanh, nhất là nguy cơ trở thành cảng tránh nạn cho đám sâu hại khi vùng thức ăn của chúng bị chủ các vườn khác phun thuốc tiêu diệt, xua đuổi, trong khi bản thân trại bảo trì thái độ không dùng hoá chất dù dưới dạng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
Về mặt địa thế, một mặt của trại tiếp giáp với đường cái trong ngõ, vốn được đôn lên cao hơn so với đất ở các khu vườn xung quanh để tránh ngập nước mùa mưa, cũng nhờ đó tránh cho trại bị nước mưa có thể hoà tan hoá chất từ các vườn cây đối diện chảy sang. Một mặt khác của trại được cách ly với khu vườn nhà hàng xóm bằng cách trồng 1 hàng ổi và đào 1 rãnh dẫn nước, rãnh nước cũng dùng để thoát nước mưa tràn từ nhà hàng xóm sang, còn hàng ổi để làm bình phong tự nhiên, ngăn các hoá chất phát tán theo gió, trái của những cây ổi này không đủ sạch để dán nhãn sản phẩm hữu cơ, nhưng vẫn sạch hoá chất hơn loại ổi bán ngoài chợ. Một mặt nữa của trại là khu nhà xưởng. Mặt cuối cùng có 1 ao nước lớn.
Trại Tuệ Viên trồng rất nhiều hoa dâm bụt, theo chị Liên chia sẻ, cây dâm bụt có rất nhiều công dụng. Đầu tiên là thu hút bọ nhảy và rệp cây. Nếu làm 1 phép tuyển giữa cây dâm bụt và cây đu đủ, rệp cây thích dâm bụt hơn, cho nên trong 1 điều kiện đã khống chế lượng rệp cây không phát triển lan tràn, trồng thêm dâm bụt có thể bảo vệ đu đủ khỏi rệp. Còn nhân tố giúp khống chế lượng rệp cây chính là kiến đen. Ngoài ra, hoa dâm bụt còn có thể dùng để tạo màu sắc đẹp cho thực phẩm và nước rửa bát nguồn gốc hữu cơ. Thân cành rễ của nó đều có dược tính. Có 1 công dụng đặc biệt khác của dâm bụt héo có liên quan đến lũ ốc sên. Chị Liên kể, mỗi khi trời mưa ngập các khu vườn bên cạnh, ốc sên lại hành quân từng đàn qua vườn nhà chị tỵ nạn, sau đó có nguy cơ không chịu dọn đi. Lúc đó trại phải đào những cái hố thả đầy dâm bụt đã héo xuống để bẫy ốc sên, vì ốc sên không ăn dâm bụt tươi trên cây, nhưng lại thích dâm bụt đã héo. Số ốc sên bẫy được này được đem đi ủ phân để bón cho cây trong trại.
Loại phân xanh có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong trại là phân xanh ủ từ cỏ lạc. Cỏ lạc rất dễ trồng, bản thân nó cũng cố định đạm cho đất và tăng màu cho mảnh đất nó mọc lên. Chị Hằng bên Xanh Shop chia sẻ là có 1 anh chủ trại khác là anh Thắng ở Đà Lạt đã thử gây cỏ lạc để lấy phân xanh và tăng màu cho đất trồng, nhưng sau đó cỏ lạc nhà anh lại thu hút đến rất nhiều sâu và chúng nó phá tan hoang vườn cà chua nhà anh luôn. Tuy nhiên, tính độc canh trong trại nhà anh Thắng rất cao, trại nhà anh tạo 1 ấn tượng rất công nghiệp hoá với những vạt đất bạt ngàn chỉ duy nhất 1 loại cây, còn trại của chị Liên là 1 tổng thể đa dạng,với cỏ lạc mọc sát mặt đất, phủ kín quanh những gốc dâm bụt, thi thoảng lại có vài ngọn rau sam, dền cơm, và nhiều loại hoa cỏ tôi cũng không biết tên đan xen, ngay cạnh dâm bụt là đu đủ, hay những chân cột của dàn dây leo gồm mướp, bầu, hoa giun, ti gôn, hoa hoàng anh, hình như tôi đã thấy dây nho, và còn nhiều loại cây nữa nhưng ngại quá, tôi không kịp nhớ hết tên. Ngoài cỏ lạc, chị Liên còn dùng phân giun. Phân bò để nuôi giun là loại bò chăn thả không ăn thức ăn công nghiệp, chị phải nhập về. Trong dạng phân bò này có rất nhiều hạt giống đa dạng, chúng theo phân rải xuống và lại mọc lên trong trại, làm tăng cường tính đa dạng sinh học cho trại của chị. Chính việc độc canh 1 loại cây khiến cho những loại cây khắc chế thiên địch của cây độc canh đó không có đất dụng võ và có thể tạo ra sự bùng nổ dân số của nhiều loại sâu bệnh. Tôi và chị Hằng nhìn tới nhìn lui nhưng cũng chịu thua, chẳng biết thứ đã khắc chế loại sâu tấn công cỏ lạc và cà chua nhà anh Thắng rốt cục là loại nào trong số rất nhiều loại cây khác nhau đan chen đa dạng trong trại của chị Liên.
Những vòm dây leo cũng rất có ý nghĩa, vừa cung cấp rau quả, vừa tạo bóng mát và không gian sinh hoạt dễ chịu bên dưới, lại góp phần làm đẹp cảnh quan. Chị Liên kể lại, do các dàn dây leo được thiết kế liên hoàn nên trong trận mưa bão lớn vừa rồi, khi 1 khu sinh hoạt bằng tre nứa lợp lá của nhà chị bị tốc mái và sập vào dàn dây leo, nó kéo đổ toàn bộ dàn dây leo như 1 hiệu ứng domino, phải mất 3 tháng mới tạm gọi là khắc phục xong đống đổ nát này. Việc sử dụng tre nứa trong xây dựng tuy thân thiện với môi trường nhưng cũng tăng tính bất ổn và thiếu bền vững của công trình lên rất nhiều. Những bạn nào đang mơ về dàn hoa bằng cọc tre và những mái nhà lợp lá dừa, lá cọ trong 1 khu vườn thuộc về mình cần cân nhắc nhiều hơn.
Trại của chị Liên không có chăn nuôi giết mổ nên không có mùi phân chuồng, không khí tươi mát trong lành. Nhưng khi đi trong vườn, thi thoảng tôi ngửi thấy những mùi hương kì quặc bốc lên, từa tựa như mùi mắm. Đến tận lúc vào thăm quan nhà xưởng và xem các thùng, cái thì ủ cá, cái thì ủ cà chua xanh, ủ ớt, ủ cây xuyến chi với các men vi sinh khác nhau. Tôi mới biết đó là mùi của các loại thuốc bảo vệ thực vật của nhà trồng được, có tác dụng xua đuổi côn trùng, sâu bệnh. Ngoài chiêu này và và chiêu xen canh, (bên cạnh dâm bụt, chị Liên còn dùng cả cây hướng dương để hút rệp, bảo vệ đu đủ trong trại). Chị Liên còn chia sẻ 1 chiêu nữa là luân canh. Sau khi trồng hành, rất nhiều loại mầm bệnh có hại cho cà chua trong đất đã bị xua đi hay bị diệt, lúc đó ta lại trồng cà chua.
Ngoài việc sử dụng trong chế biến thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học còn có thể dùng để làm tăng hay giảm độ chua của đất, chị Liên đã áp dụng chiêu này để xử lý bùn ao vét lên. Bùn ao rất giàu dinh dưỡng, nhưng độ pH thấp, tóm lại là 1 dạng đất chua, trồng cây gì chết cây ấy, kinh nghiệm của bà con nông dân là vét lên xong phải để đó cả năm mới lấy đi bón ruộng bón vườn. Sau khi xử lý bùn ao bằng chế phẩm sinh học độ 2 tháng, chị Liên đã có thể dùng nó trồng cây, cây lên xanh tốt, bà con hàng xóm rớt cằm, gọi chị là phù thuỷ.
Những mảnh đất chưa canh tác trong trại Tuệ Viên không bỏ trống mà mọc bạt ngàn cây xuyến chi. Theo chia sẻ của chị Liên, cây xuyến chi bản thân có dược tính, nếu ta thêm vào thức ăn cho vật nuôi độ 5% cây xuyến chi, chúng sẽ phòng tránh được bệnh đường ruột. Ngọn non của cây này người cũng có thể ăn như rau. Loại cây này có khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên nên bản thân nó chẳng bao giờ bị sâu phá, đó là lý do nó vinh dự được vào thùng trong công trình nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật cây nhà lá vườn của trại Tuệ Viên.
Phần cá nhân tôi tâm đắc nhất trong các chia sẻ của chị Liên là triết lý tận dụng. Rác thải biến thành rác thải là vì chúng ta không chịu nghĩ cách sử dụng chúng vào mục đích có ích. Khi trở nên hữu ích, vậy rác thải không còn là rác mà chính là 1 dạng tài nguyên. Những con đường trong trại Tuệ Viên thường được lót bằng những tấm bê tông cắt vuông. Đó vốn là bê tông thừa ở các công trình xây dựng lớn mà người ta phải lén lút đem đi đổ bỏ như 1 thứ rác khó phân huỷ. Chị Liên mua rẻ lại chúng và tận dụng chúng để phục vụ việc kiến thiết trang trại nhà mình.
Trại Tuệ Viên đang xây 1 căn nhà bằng cách sử dụng những vỏ chai nhựa đổ đầy cát thay cho gạch như 1 biểu tượng của việc đánh thức ý thức tận dụng và tái chế rác khó phân huỷ, truyền đạt 1 thông điệp về môi trường cho các bạn trẻ và các em nhỏ đến thăm quan trại.
Và còn nhiều kế hoạch hơn nữa, chẳng hạn như việc góp sức trong công cuộc xây dựng ngân hàng hạt giống để bảo tồn những giống cây bản địa trước những nguy cơ từ hạt giống GMO. Kế hoạch hỗ trợ đào tạo "nông dân" có tri thức để gửi đến những mảnh đất sẵn sàng cho nông nghiệp hữu cơ khác, giúp củng cố và phát triển chương trình người tìm đất, đất tìm người đang manh nha nảy mầm. Kế hoạch đánh thức ý thức cộng đồng thông qua truyền thông và thực tế... Sau chuyến thăm quan, mọi người đã bàn bạc, trao đổi thật sôi nổi, và chắc chắn sẽ còn liên lạc với nhau, và sẽ gặp lại nhau trong 1 ngày không xa.
Vâng, trên đây là câu chuyện kể về lần gặp mặt chính thức đầu tiên của các Cọng Rơm, những người được truyền cảm hứng và biết đến nhau, bắt đầu từ sự nặng lòng với thực phẩm sạch, môi trường sống, tình yêu thiên nhiên và ý thức cộng đồng.
Được ghi lại theo hồi ức của 1 kẻ lúc đầu giờ đã tự giới thiệu về mình như 1 người có lòng hô hào cổ động mọi người sống xanh, ăn sạch nhưng mà cái gì cũng không dự định bán.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaa/c phát triển nông nghiệp hữu cơ có thể tham khảo thêm về sử dụng phân hữu cơ giun quế ạ
Trả lờiXóatrùn quế giống
phan huu co
dịch trùn quế