Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Trí phán đoán số 3

3. Trí phán đoán số 3: Bước nâng cao tiếp theo của trí phán đoán chính là phán đoán theo cảm tình. Vấn đề tạo nên đặc trưng của loại phán đoán này là lúc nào nó cũng đi cùng với 1 quả tim nóng. Hay nói đơn giản hơn, nó đi cùng với cảm giác an tâm, ấm áp trong lòng. Để cho cảm giác ấy dẫn dắt lời nói, việc làm của mình. Bạn có nỡ nặng lời với ai đó dù đang rất giận không? Bạn có thể mặc kệ ai đó mà không quan tâm dù bạn đang mệt chết và chỉ muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi không? Bạn có dễ dàng hạ chỉ số thiện cảm với ai đó về âm ngay khi nghe ai đó khác nói lời không hay về người bạn yêu quý không? Bạn có nghĩ rằng việc gắp riêng thức ăn thành 1 phần cơm tinh tươm đẹp mắt cho ai đó chưa về rồi mới ăn tốt hơn là nhào vào mâm ăn thoả thích rồi để lại cơm thừa canh cặn cho họ không? Những chọn lựa này đều cho biết bạn đang dùng phán đoán số 2 hay số 3 trong việc định hướng cho hành vi ứng xử của mình. Tình cảm sẽ giúp làm tăng phẩm chất nhẫn nại và gợi lòng trắc ẩn, nếu tình cảm của bạn không đủ mạnh, vậy thì bạn khó mà kìm chế được những ham muốn tức thì của mình cho dù về mặt ý thức, bạn biết rằng chỉ cần chịu khó nhẫn nại hơn 1 chút thôi, thì sẽ tốt hơn cho cả bạn và người mà bạn quan tâm. Và giây phút phán đoán số 3 tham gia vào quyết định của bạn, trong đầu bạn có 1 câu hỏi cần trả lời trước khi đưa ra lựa chọn, đó là bạn có nỡ làm như thế hay không. Bạn có thấy đau lòng khi nghĩ đến hay áy náy khi nhìn thấy tình cảnh người khác phải chịu đựng hậu quả việc bạn làm không? Nếu câu hỏi này chưa từng vang lên trong đầu 1 người, cái đầu họ có thể nóng có thể lạnh, nhưng trái tim của họ thì lúc nào cũng lạnh cả.

Ở giai đoạn 1 của trí phán đoán, con người hành động theo quán tính, ở giai đoạn 2, chọn lựa được đưa ra theo thôi thúc của dục vọng, sang đến giai đoạn 3, con người bắt đầu bận tâm đến lý lẽ của trái tim, có thể là 1 cách tự nhiên, có thể là bị bắt buộc, có thể họ vốn rất quen thuộc với nó, có thể họ đang ở giai đoạn học cách sử dụng nó, và nếu 1 người quá nặng phán đoán theo cảm tình, họ có khuynh hướng đồng hoá bản thân với cảm xúc của mình, và để các cung bậc cảm xúc yêu ghét giận hờn của mình dẫn dắt, thúc đẩy phía sau mọi hành vi, động thái. Khi lên tới cao điểm, chiếc kim chỉ nam loại này sẽ dẫn dắt và tạo thành khuynh hướng thiên vị mù quáng, luôn bao che, bênh vực những người mình yêu mến bất chấp phải trái đúng sai.

Có 1 chút bối rối nhỏ ở đây cho nhiều bạn, đó là cái khuynh hướng chạy theo cảm tính và chạy theo cảm tình này, cụ thể nó khác nhau như thế nào? Hiểu qua 1 ví dụ đơn giản nhất, khi gặp 1 đứa đáng ghét vô cùng chọc ta tức điên, thì tức điên ở đây là cái gì? Tất nhiên là 1 loại cảm xúc, là cảm tình tiêu cực. Vậy sau khi tức điên rồi, ta làm gì? Nếu ta cứ thế phăm phăm xông lên, cho nó 1 cái tát lệch mặt, đáng đời nhà nó, hả giận, quá sảng khoái, vậy tức là ta phản ứng lại bằng phán đoán số 2, tức là trên tinh thần làm sao cho sướng. Nhưng giả sử, cái đứa đáng ghét, đã nói mấy câu đáng hận hay gây ra mấy hành động đáng chém ấy nó lại ... to như con tịnh, hoặc ... là con của cô chủ nhiệm, hoặc... là gấu yêu của sếp lớn gì đó. Tóm lại, hả giận và đi tìm chết hoặc đi tìm ngược tự dưng biến thành từ đồng nghĩa. Vậy thì đại ý là phán đoán số 4 bảo ta rằng, lùi 1 bước thấy đất rộng trời cao, tiến 1 bước là vực sâu vạn trượng đó cu. Con người thì không nỡ tự mình tìm ngược cho bản thân, cho nên, chỉ cần có trí phán đoán số 2 thôi, cũng đủ để thôi thúc ta chọn hãy ôm hận mà sống tiếp rồi. Chú ý, phán đoán giống như 1 cơ chế phân quyền sử dụng nguồn lực của cơ thể cho nhóm động thái hành vi nào đó, nhưng bản thân nó không hẳn là chức năng tư duy của bộ não. Cho nên nó có thể phân quyền nguồn lực của cơ thể cho dục vọng, cho quán tính, cho tình cảm, cho lý trí... Và chính việc xem xét xem khía cạnh phân quyền này có sáng suốt hay không mới thể hiện rõ năng lực phán đoán của 1 người. Cho nên chúng ta thi thoảng vẫn gặp người có hành vi mà ta gọi là cầm thú, dù họ có thể là ông nọ bà kia, học thức đầy mình. Và chúng ta thường cũng không thấy ngạc nhiên khi ai đó trình bày với ta 1 câu đại ý "tao biết làm như thế là không sáng suốt tý nào, nhưng tao đéo nhịn được" chẳng hạn.

Tất nhiên, cũng trong ví dụ trên, nếu đối tượng chọc ta tức điên lại chèn ép, bắt nạt người mà ta yêu thương nhất chẳng hạn, người mạnh phán đoán số 3 có thể biết là không tốt nhưng vẫn quyết chí xông lên như 1 con gà mái xù lông xoè cánh để bảo vệ đàn con nhỏ của mình, tất nhiên vẫn trên mẫu câu ấy, ở đây là không nỡ bỏ mặc.

Khoa học chứng minh rằng, khi con người chìm trong cảm giác sân hận, có những độc tố được sinh ra và đổ vào các mạch máu của họ, của họ chứ không phải của người mà họ chán ghét. Khiến họ thấy bức bối, thậm chí khó thở, rối loạn nhịp tim, mất đi tỉnh táo. Thậm chí, gặp rắc rối to nếu họ có sẵn tiền sử bệnh cao huyết áp hay xơ vữa mạch máu. Cảm xúc tiêu cực như oán hận, như thế, về mặt lý trí, thực ra là có hại cho người ôm mãi nó trong lòng, và 1 cách khách quan nhất, chúng ta thực ra nên có quyền không nổi giận vì 1 kẻ đáng ghét, chứ không phải là quyền được nổi giận, cho dù kẻ kia có đáng giận đến đâu. Vì xét cho đến cùng, hình như nạn nhân của cơn giận ấy là ta. Nhưng trải nghiệm tách mình ra khỏi dòng cảm xúc và nhìn lại nó bằng lý trí lại là bước nâng cao tiếp theo của trí phán đoán mất rồi. Chúng ta chưa xét đoán đến nó ở đây.

Lại 1 ví dụ khác, sau khi phải nén giận với con bồ của sếp lớn ở công ty, bạn mang theo 1 bầu trời hậm hực trong bụng quay về nhà. Bé cưng của bạn hoàn toàn không biết thời biết thế hồn nhiên xông ra ôm chân bạn reo to: "A, bố về!" Theo bạn, trong cảnh này, có bao nhiêu ông bố sẽ thấy có 1 cảm giác dịu dàng, ngọt ngào dâng lên trong lòng, quay ra hỏi chuyện rồi chơi với con và vứt câu chuyện bực mình ở công ty ra sau đầu? Lại có bao nhiêu ông bố vì không dám làm gì "ai đó" ở công ty nên tự dưng muốn được đại triển thần uy tại nhà riêng, giận chó đánh mèo đứa con?

Cái mớ hỗn độn, lẫn lộn giữa phán đoán số 2 và số 3 hay gặp nhất thường là trong phim Quỳnh Dao. Tóm lại, mớ bòng bong này chính là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi thể loại ngược văn. Hồi còn nhỏ tôi từng xem Dòng Sông Ly Biệt, khi ông bố cựu tướng quân giải thích rằng ông lấy về nguyên 1 rổ vợ mà chẳng thật lòng với bà nào nên nhân đó, cũng thật vô trách nhiệm với họ là vì ngày xưa ông đã từng yêu và không lấy được người mình yêu nên ông không thể ngăn cản bản thân mình đi theo đuổi những người phụ nữ có nét tương đồng với người yêu cũ, nhưng dù sao họ cũng vẫn không phải người mà ông yêu, cho nên thế ý, thế nọ... vậy là đám con cái liền thông cảm và tha thứ cho ông, vì chúng cũng đã trưởng thành, có trải nghiệm yêu đương và đau khổ vì yêu. Vì chúng hiểu yêu hay không yêu ai là 1 chuyện thân bất do kỉ vô cùng bất đắc dĩ. Tóm lại, lý lẽ của trái tim chỉ có thể được hiểu bằng trái tim. Nhưng nghĩ cho kỹ thì, chỉ vì 1 người thực bất đắc dĩ gieo hoạ cho tim ông (cũng không phải tình tiết cố tình quyến rũ cho bằng được rồi đá đi gì gì đó mà), ông liền cố tình đi gieo hoạ lại cho toàn bộ cuộc đời của 9 người khác (dùng quyền lực tiến hành ép cưới nha), sau đó, gần như chỉ xin lỗi mồm, các loại quả đắng khác là tác giả nhét vào tận mồm bắt ông ăn chứ ông không hề có tinh thần tự giác ăn. Tổng kết, tôi cảm thấy đây không phải hành động có thể có ở 1 người có tố chất tâm lý khoẻ mạnh bình thường. Sau đó, rất không có thiện ý mà tự hỏi, có phải mấy người cuồng cái thể loại phim lẫn lộn 2 mức phán đoán này muốn xem những thứ nguỵ biện của trái tim ấy là để tìm sự đồng tình cho những sai lầm ngày nào cũng có khi trót xập xí xập ngầu giữa 2 loại phán đoán này của của mình không.

Nghe đồn những người có tiền sử chịu ngược đãi khi lớn lên thường đảo vai và trở thành kẻ đi ngược đãi. Tóm lại, họ có thể cố lấy lại thăng bằng tâm lý bằng cách coi ỷ mạnh hiếp yếu là chuyện đương nhiên, sau đó tập sống với nó thành quen, và nếu tình trạng bị bắt nạt lại để trí phán đoán số 1 dẫn dắt, chúng ta liền có câu "ở lâu với khổ, Mị quen khổ rồi". Còn cá nhân sẽ trực tiếp hay gián tiếp chống đối và tìm cách báo thù hoặc tìm nơi trút giận nếu thứ dẫn họ đi là phán đoán số 2. Nhưng! Nếu 1 người trong lúc nóng giận muốn vung tay đánh 1 đứa trẻ chẳng hạn, và vào giây phút ấy, họ bỗng nhiên nhận ra trong đôi mắt thơ ngây ấy sự hoảng loạn và nước mắt, và nó vốn là người mà họ nên yêu thương, bảo vệ, che chở mới đúng, thì chính thứ cảm tình đó sẽ ghìm cánh tay đang vung cao của họ lại, và làm họ chợt nhận ra, họ đang làm điều sai trái, họ cần phải thay đổi, điều này có thể gây ra dày vò cắn rứt 1 thời gian, cho tới khi họ trở thành 1 con người mới, kiểm soát bản thân tốt hơn, vì những lý do tích cực hơn. Những người có xuất phát điểm cao hơn, chẳng hạn, vốn sẵn 1 trái tim bao la đầy tình thương hẳn là sẽ không trút giận lung tung. Nhưng đôi khi, ngay cả bà mẹ tâm lý nhất cũng có lúc muốn đập đầu vào tường khi gặp dáng vẻ nước đổ đầu vịt của con mình chẳng hạn. Nhưng các bậc phụ huynh tâm lý đều đồng ý 1 điểm, giận dữ chẳng có ích lợi gì trong công tác giáo dục con cái cả, nó chỉ làm người gánh vác công tác giáo dục ấy mất khôn. Nhưng tất nhiên, 1 số biện pháp trừng phạt được cân nhắc cẩn thận lại vô cùng cần thiết, nhất là khi ta gặp phải 1 em nhỏ quá sức cá tính và tự đánh giá bản thân quá cao chẳng hạn.

Gây ra trải nghiệm đau khổ, khó chịu cho người khác, dù là về thể xác hay tinh thần, vui sướng khi người gặp hoạ, nói dối bôi đen người khác chỉ vì cái mặt họ nhìn thấy ghét, ganh tỵ, nguyền rủa ai đó vì người ta thành công hơn mình hay có thứ mà mình há miệng chờ sung mãi chưa thấy rụng tới... sau đó lại kiên định lòng tin rằng mình sẽ được bao dung, tha thứ hết, sẽ trăm sự như ý, vạn sự như mơ, tóm lại, không hề sợ hậu quả, hay không dám nghĩ đến hậu quả, hay không biết rằng sẽ có hậu quả, đều là những trò thần kinh của kiểu người đã đủ tố chất thần kinh để cảm nhận các cung bậc cảm xúc của loài người, và biết về sự tồn tại của lòng bao dung, nhưng mà, là lòng bao dung của người khác, còn họ thì không đủ tố chất tâm lý để ứng xử với mớ cảm xúc đa đoan phức tạp đó và tất nhiên là chẳng bao dung được cho ai. Tóm lại, họ để dục vọng riêng đưa ra quyết định trong những vấn đề tình cảm. Tôi thường nói đùa rằng kiểu người nặng phán đoán số 2 này không thể ẩn núp thành công tại miền Bắc, vì cái thứ khí hậu gió mùa kinh khủng của chúng ta gây ra tình trạng khó ở trong người gần như mãn tính. Nhược điểm là nhiều bạn trẻ kêu ca với tôi rằng cảm thấy người miền Nam đáng yêu hơn, dễ mến hơn. Nhưng ưu điểm của loại khí hậu này chính là, sống trong nó chỉ cần bạn có độ tỉnh vừa phải thôi, bạn tuyệt đối sẽ không sợ lấy nhầm người có tố chất thần kinh không bình thường.

Có thể nói, chính việc cấp quyền lực chi phối chính mình cho trái tim là thứ đã làm cho nhân cách con người thăng hoa khỏi tầng bản năng. Khi ta biết cảm thông với một người, quan tâm tới 1 người, muốn săn sóc cho 1 người, vậy thì để đổi lại, có rất nhiều việc đòi hỏi ta phải biết kìm nén chính mình, không thể nào tuỳ tâm sở dục được nữa. Cho nên là, nếu chẳng hạn, bạn tình của bạn không hề quan tâm đến cảm giác của bạn mà chỉ quan tâm đến sự thoả mãn của chính y, sau đó dám thề thốt là yêu bạn chẳng hạn, vậy thì lời yêu ấy cũng không thơm hơn 1 cái rắm. Bản thân việc suy nghĩ bằng nửa thân dưới không xấu, nhưng xúc phạm cả trái tim lẫn bộ não của mình bằng cách biến 2 chỗ đó thành ngăn chứa tinh trùng dự bị thì tuyệt đối không phải dấu hiệu tốt. Tóm lại, chúng ta phải cẩn thận với kiểu người mà quyết định của nửa thân dưới, tính từ vùng bụng ngang dạ dày đổ xuống có sức nặng lớn hơn quyết định của trái tim và cái đầu.

Ở tầng bản năng, nền tảng cơ bản của dạng phán đoán theo cảm tình này là, ai là người chăm sóc ta, che chở ta, hay cưng nựng âu yếm quan tâm đến tâm tư tình cảm của ta thì nói gì bảo gì ta cũng dễ tin theo, làm theo, vì ta tin người đó chỉ muốn điều tốt cho ta. Đảo ngược lại, chẳng có ai vì con mình hư mà vứt nó đi chạy qua bế trộm con nhà hàng xóm về nuôi cả. Con đường duy nhất để đi chính là giáo dục lại nó, cảm hoá nó, thay đổi nó. Mức phán đoán này thực ra bắt đầu được xây dựng từ việc tham khảo phán đoán của người khác của 1 tâm trí non nớt chưa trưởng thành, cụ thể ở đây là tham khảo phán đoán của những người được tin rằng "sẽ không làm hại ta". Những gì người đó cho là tốt, ta cũng muốn thử xem có tốt không, những gì người đó cho là xấu, ta cũng có khuynh hướng bài xích, ghét bỏ. Vậy nên người làm cha mẹ ngày xưa mới được dạy bảo, nhắc nhở về cái gọi là thân giáo, tức là phải tự ý thức được mọi hành động của mình đều bị hay được con cái mình lấy ra làm tiêu chuẩn đối nhân xử thế. Vì đứa trẻ nào cũng dành 1 tình yêu trong sáng, tự phát cho cha mẹ của mình, cho tới khi sự nuông chiều và dung túng vô nguyên tắc của người lớn làm chúng lạc lối.

Nhiều lúc phán đoán theo cảm tình không hề mang lại sự dễ chịu, thích thú. Làm 1 người lớn, chúng ta ít ra cũng đã biết, điều ta muốn trong nhiều trường hợp chưa chắc đã là điều ta cần, nếu không muốn nói, nhiều lúc còn có hại. Làm cha mẹ, trách nhiệm là phải nhận định được rõ ràng điều con mình cần và điều con mình muốn, sau đó, giúp nó chọn lựa cho đúng nếu cần thiết. Tất nhiên, để làm tốt điều này đòi hỏi ở họ ít ra là trí phán đoán số 4 hay số 5. Các bé ngoan đều nhớ bố mẹ dặn không được nhận đồ của người lạ, vậy nên khi có cô hay chú nào là lạ đến nhà và cho quà, dù có thích món quà đến mấy cũng vẫn phải liếc bố hay mẹ 1 cái, cho đến khi nghe được thánh chỉ, con nói xin cô hay xin chú đi, lúc đó mới dám cầm, mà đã cầm là cười tít mắt. Tôi không nói là các cháu bé thấy ai đưa đồ mình thích là vồ luôn, bố mẹ bắt trả lại thì chạy mất tích đều sẽ vì 1 cây kẹo mút mà bị bán béng sang Trung Quốc, cái đó còn cần tổ hợp của nhiều điều kiện hoàn cảnh khách quan khác, nhưng việc tiếp nhận những thứ mình cần hay muốn từ địa chỉ được xác định là an toàn là bước nâng cao đầu tiên của trí phán đoán, sau 2 giai đoạn không cần biết đến hậu quả kia. Dù sao thì các cụ xưa đúc kết ra câu "chim chết vì ná, cá chết vì mồi" không phải là nói chơi. Tất nhiên, đấy là mức phán đoán số 4 của bạn. Còn với 1 đứa trẻ, nếu nó rụt rè chờ thánh chỉ của bạn mà không dám trực tiếp nhận ngay món đồ chơi dù thích chết đi được, có khả năng rất cao chỉ là vì nó muốn bạn cảm thấy nó thực ngoan thôi. Cho nên nếu bạn không chú ý uốn nắn nâng cấp để trí phán đoán của con bạn nó nhích được lên khỏi số 2 thì sau này bạn ráng mà chịu, bất hiếu bất nghĩa gì đó đều được sinh ra trong đoạn này cả. Tất nhiên, nếu bé ngoan có phán đoán theo cảm tình của chúng ta lại có 1 ông bố hay bà mẹ có trí phán đoán số 2 thì....

Dùng trí phán đoán số 2 của em, ít nhất em còn có được điều em muốn. Dùng trí phán đoán số 2 của mẹ hay bố em, vậy thì em có được thứ mình cần hay không nó đã hên xui, mà khéo cũng bay luôn cả thứ mình muốn là khác. Nếu có 1 ngày em nhỏ nhận ra điều đó, bạn nghĩ thử xem em ấy sẽ thế nào?

Cảm tình với 1 người không thể xây dựng chỉ trên cơ sở 2 cảm giác dễ chịu và khó chịu. Người luôn ngọt ngào, tử tế với ta chưa chắc đã là người tốt, có thể họ chính là người đang xem ta như 1 con heo chờ nuôi đủ béo liền giết thịt. Người thực sự quan tâm ta không phải lúc nào cũng đối với ta ngọt nhạt, chiều chuộng, vì sợ ta lầm đường lạc lối, có nhiều lúc họ sẵn sàng đóng vai ông ác. Người chỉ biết tới việc thoả mãn cảm giác của bản thân mình mà không nhận ra chỗ tốt của người khác, thiện ý của người khác, tóm lại không có lòng biết ơn hay lòng trắc ẩn thì khó mà xây dựng được 1 nhân sinh quan đúng đắn, khó mà có được một trí phán đoán theo cảm tình lành mạnh. Thế nên khi dấn thân vào các hoàn cảnh cần phán đoán theo cảm tình, họ cảm thấy bị ngược tơi bời.

Tuy nhiên, khi phán đoán theo cảm tình là quá mạnh, những dạng ứng xử cực đoan khác lại xuất hiện. Con chó được đánh giá là khôn nếu nó chỉ ăn những gì chủ nó cho. Cô gái được đánh giá là si tình khi quyết tâm không sang ngang cho dù người yêu cũ đã chết. Một người đi xa nhà, có thể nhớ ai đó đến độ như đứng đống lửa như ngồi đống than. Tóm lại, cảm tình quá sâu giữa cá nhân với con người hay sự vật mà họ quen thuộc cuối cùng vẫn có thể tạo ra sự cố chấp và khuynh hướng bài xích tất cả những gì xa lạ. Khi đi ra khỏi tác dụng ban đầu của cách đánh giá vấn đề theo cảm tình này, đó là nhu cầu về an ninh và gắn kết, những thứ cảm tình mù quáng không được xem xét và lý giải thích đáng nhiều trường hợp được coi là 1 nét tính cách hay xuất hiện ở những người quá giàu tình cảm, và khi hoàn cảnh đòi hỏi ở cá nhân 1 tầm nhìn sâu xa hơn, chín chắn hơn, họ dễ cảm thấy bế tắc. Đó là lý do chúng ta vẫn cần đến những dạng trí phán đoán cao hơn nữa để có thể ứng xử tốt trong những tình cảnh phức tạp hơn.

 
Bài viết này thuộc loạt bài 7 giai đoạn của trí phán đoán.

Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét