Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

7 giai đoạn của trí phán đoán

Có lẽ ai đã lăn lộn với những cuốn sách và tài liệu Thực Dưỡng 1 thời gian thì đều biết về cái gọi là 7 giai đoạn của trí phán đoán. Nhưng nên hiểu về 7 giai đoạn đó như thế nào? Trong vấn đề này, tôi đã gặp nhiều chú vẹt ưa dùng chúng như 1 cách ngắn gọn để phán xét người khác. Tôi không nói là chúng ta chỉ nên phán xét bản thân mà không phán xét người khác, nhưng người chỉ làm theo phán đoán của mình thì cũng chỉ quan tâm đến trình độ phán đoán của mình và lo nâng cao nó. Chỉ có người sống và làm theo phán đoán của người khác mới cần đánh giá trình độ phán đoán của người khác đến vậy.

Phán đoán, theo cách hiểu của tôi, không phải là cách lý giải sự việc. Nó là những đánh giá về hay dở tốt xấu theo tiêu chuẩn riêng của mỗi cá nhân. Con người dựa vào những đánh giá đó để xu cát, tỵ hung, gần lành, lánh dữ. Nếu phân tích theo Chiêm Tinh, lý giải sự việc là chức năng của Thuỷ Tinh, còn đánh giá là Kim Tinh và Mộc Tinh, còn 1 nhân tố nữa là Chiron, nhưng số người sử dụng được Chiron trên lá số của mình như 1 công cụ hiệu quả rất ít, phần đông mọi người cảm thấy mình bị những đánh giá không rõ ràng của thiên thể này làm phiền. Nói chung, chính những đánh giá này quyết định phương hướng cho đời người và nhiều lúc, nó không có liên hệ trực tiếp nào với chỉ số thông minh cùng bằng cấp của cá nhân cả.

Tất nhiên cuộc đời thật là 1 mạng lưới các ảnh hưởng và tương tác qua lại, nhưng nếu tự bạn biết thế nào là hay dở tốt xấu đúng sai thì thị phi không thể điên đảo mê hoặc được bạn. Con đường đi tìm tự do là con đường chỉ lệ thuộc vào phán đoán của chính bản thân ta và các nỗ lực nâng cao nó. Vì vậy, phán xét quá nhiều về người khác thực ra chẳng có chút tác dụng thực tế nào. Chúng ta không thể thay đổi thế giới mà mình đang sống. Nhưng bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể thay đổi thái độ và cách thức mà chúng ta sử dụng để đối mặt với nó. Cũng giống như việc 1 món ăn là ngon hay dở không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu ban đầu, mà còn phụ thuộc vào năng lực của người đứng bếp vậy.

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, trong 7 giai đoạn của trí phán đoán, giai đoạn sau đòi hỏi 1 mức độ tiến bộ trong khả năng nhận thức và xét đoán cao hơn, đi song song với nhiều phẩm chất tinh thần hơn để cân bằng nó, và giúp con người đối mặt với tình huống 1 cách linh hoạt hơn giai đoạn trước. Khi bạn cảm thấy mình đang ở 1 hoàn cảnh bế tắc, hãy tự khách quan nhìn nhận xem mình đang dùng trí phán đoán số mấy, sau đó, thử cố gắng sử dụng trí phán đoán ở mức cao hơn để tiếp cận lại tình huống 1 lần nữa, rất có khả năng cách giải quyết vấn đề sẽ xuất hiện. Tuy vậy điều này không có nghĩa là trí phán đoán bậc thấp là không cần thiết. Giống như 1 ngôi tháp nhiều tầng, đi lên tầng cao hơn thì bạn có 1 tầm nhìn bao quát rộng lớn hơn, nhưng ngôi tháp ấy vẫn cần có 1 cái móng vững chắc, và cái móng vững chắc ấy, trước hết và tiên quyết chính là 1 trí phán đoán số 1 lành mạnh, chính xác.

Việc ứng xử trước hoàn cảnh khó xử của người có trí phán đoán càng cao thì càng thỏa đáng. Tiên sinh Ohsawa cho rằng nên để người có trí phán đoán cao hơn lãnh đạo người có trí phán đoán thấp hơn thì tổ chức mới có thể phát triển theo hướng tích cực. Đảo ngược lại, khi cá nhân gặp phải hoàn cảnh khó khăn mà mức phán đoán quen thuộc của họ là không đủ để xử lý tình huống, họ chịu sức ép đòi hỏi phải nâng cao trí phán đoán của mình lên, tuy nhiên, cũng có người không làm được như vậy, khi mức phán đoán hiện tại không dùng được, họ chuyển qua dùng mức phán đoán thấp hơn, thực ra điều này cũng không xấu, vì nếu cá nhân cảm thấy tầng tháp đứng trên bất ổn thì có khả năng việc cần làm không phải là cố xây thêm 1 tầng nữa mà là chạy xuống gia cố tầng dưới, chỉ là nó không giúp họ giải quyết được tình huống. Vấn đề trí phán đoán không chỉ quan trọng cao hay thấp, mà chất lượng riêng của từng cấp độ của trí phán đoán cũng rất quan trọng. Trước khi nghĩ đến tăng trưởng trí phán đoán, con người cần củng cố cho chắc chắn các tầng phán đoán thấp hơn. Cố sử dụng dạng phán đoán quá cao trong khi nền móng trí phán đoán của bản thân yếu kém không chắc chắn là nguồn gốc của bệnh hoang tưởng và tiếp đó, chứng vĩ cuồng. Tôi sẽ phân tích vấn đề này kỹ hơn ở các bài viết tiếp theo về từng giai đoạn của trí phán đoán.

Và tôi xin được nhắc lại, đừng nhầm lẫn trí phán đoán với trí thông minh hay tài năng. Một người có IQ rất cao cũng có thể có trí phán đoán rất thấp và ngược lại. Người thông minh giỏi giang theo cách ta thường hiểu có thể ngậm ngùi mà rằng: "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen?" Nhưng người có trí phán đoán cao luôn tìm được cách ứng xử thích hợp trước mọi tình cảnh khó khăn trong cuộc sống và do đó, chẳng bao giờ thấy mình bất hạnh hay xui xẻo cả. Tuy rằng họ có thể thấy mình hơi bị vất vả và rất cần 1 thể lực siêu bền cùng hệ thần kinh thép. Cũng do vậy, 2 loại người quan tâm đến thuật dưỡng sinh nhất và nghiêm túc thực hành nó nhất, 1 chính là họ, còn 2, chính là mấy người dặt dẹo ốm o và sợ đau sợ chết.


1. Trí phán đoán số 1: Thường được tài liệu thực dưỡng gọi là giai đoạn máy móc, mù quáng. Hay là phán đoán theo phản xạ. (Trong trường hợp cá nhân cần cách xử lý tình huống mới phát sinh.) Và hành động theo quán tính, thói quen. (Trong trường hợp cá nhân đã nhiều lần làm 1 loạt hành động nên tập thành thói quen đã làm là phải làm đủ bộ, nhưng chả bao giờ thử lý giải tại sao mình lại làm thế cả.)

Đọc tiếp 


2. Trí phán đoán số 2: Bước qua giai đoạn đáp ứng phản xạ có điều kiện và hành động theo thói quen, chúng ta đến với giai đoạn có độ khó cao hơn của trí phán đoán, gọi là phán đoán theo cảm giác. Bây giờ vấn đề không còn cần chúng ta phải đưa ra cách xử lý ngay lập tức nữa, chiếc kim chỉ nam cho đúng và sai ở đây chính là cảm giác dễ chịu hay khó chịu có được tuỳ theo chọn lựa. Tóm lại, bây giờ thì quán tính là không đủ để đưa ra quyết định. Có lúc đáp án lại thuộc về câu trả lời cho câu hỏi làm sao cho sướng?

Đọc tiếp


3. Trí phán đoán số 3: Bước nâng cao tiếp theo của trí phán đoán chính là phán đoán theo cảm tình. Vấn đề tạo nên đặc trưng của loại phán đoán này là lúc nào nó cũng đi cùng với 1 quả tim nóng. Hay nói đơn giản hơn, nó đi cùng với cảm giác an tâm, ấm áp trong lòng. Để cho cảm giác ấy dẫn dắt lời nói, việc làm của mình.

Đọc tiếp


4. Trí phán đoán số 4: Để cảm tình riêng dẫn dắt trong rất nhiều trường hợp là không sáng suốt. Con người trưởng thành phải học được cách gạt bỏ cảm tình cá nhân sang 1 bên để xem xét 1 vấn đề và đưa ra nhận định, phán đoán, cách thức giải quyết theo lý trí. Chúng ta gọi dạng phán đoán này là phán đoán theo lý trí. Loại phán đoán hay bị người ta nhầm lẫn với tư duy logic nhất.

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


5. Trí phán đoán số 5: Những quy tắc ứng xử chung cần tuân thủ mà xã hội đặt ra cho mỗi cá nhân để tạo ra trật tự đòi hỏi ở cá nhân ý thức về giá trị tồn tại của cộng đồng, và chính vì tôn trọng thứ giá trị này mà cá nhân có động lực để tuân thủ luật chơi chung. Đó là cơ sở hình thành loại phán đoán thứ 5, hay còn gọi là trí phán đoán xã hội.

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


6. Trí phán đoán số 6: Trong trật tự và ổn định, sớm hay muộn, con người cũng nhận ra giá trị của những quy luật lặp đi lặp lại, có tính chất dự báo. Một cộng đồng cho dù lớn đến mấy cũng vẫn là nhỏ nhoi nếu so sánh với sức mạnh của tự nhiên, khả năng nắm bắt được quy luật vận hành của tự nhiên đem lại lợi thế to lớn không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Ở giai đoạn này, con người không cần chờ ai bảo cho biết mình phải làm gì. Họ chủ động tìm hiểu thế giới xung quanh và khám phá ra các quy tắc vận hành của chúng. Đó là giai đoạn phán đoán có ý thức phân biệt

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


7. Trí phán đoán số 7: Ở giai đoạn số 6, việc cao nhất cá nhân làm được là xu cát tỵ hung, tìm lành lánh dữ. Ohsawa gọi giai đoạn số 7 là trí phán đoán tối cao, bởi nó là trí phán đoán sinh ra từ hiểu biết về biến dịch, giá trị của biến dịch. Người có trí phán đoán số 7 có thể chuyển nguy thành an, gặp dữ hoá lành, thậm chí thay đổi vận mệnh...

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.