Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Cơm rang nhân sâm

Thực dưỡng cho đại gia.

Em gái pm hỏi, chị ơi, nhân sâm khô có dùng nấu ăn được không nhỉ. Bà chị rất hùng dũng khẳng định, nấu được, ngâm nước cho mềm rồi thái nhỏ, rang cơm ăn đi, nước ngâm nấu thêm bát canh miso là coi như húp trọn rồi. Thế là chúng em hẹn hò nhau rang cơm với nhân sâm. Em phụ trách ngâm gạo qua đêm, vớt gạo để ráo, rang gạo bằng chảo gang dày cho thơm. Cho gạo vào nồi đất với đậu gà, đậu lăng, đậu đỏ đã ngâm nở, đổ nước gấp đôi gạo, nhét vào lò nướng để 30 phút ở nấc 250 độ, 30 phút ở nấc 200 độ, 1 tiếng ở nấc 150 độ. Rút điện dỡ cơm. Em gái nếm thử xong phát biểu, chị ơi đừng rang cơm nữa, mình ăn luôn cơm này được không.

Ơ kìa!

Sao mày không bảo từ lúc chị chưa ngâm nhân sâm?

Nhân sâm và bí đỏ thái nhỏ xào với ít muối và bột cà ri cho chín, đổ cơm vào trộn đều rồi ém chặt lại, đậy vung, vặn nhỏ lửa. Nấu độ 10 phút thì tắt bếp. Nếm thử nếu nhạt thì thêm tamari cho vừa ăn.

Khụ, tỷ lệ đề xuất là 3 bát con cơm đậu, 3 lát sâm, 1 khối bí đỏ bằng bàn tay, 1 thìa cà phê bột cà ri. Chúng em ăn chơi nên dùng hẳn 3 cọng rễ vụn của sâm núi Thiên Sơn chứ không thèm dùng sâm hàn, nó thơm nhức nhối luôn.

Sâm thơm, cà ri thơm, cơm cũng thơm. Tóm lại là món này rất thơm rất ngọt rất dễ tiêu. Ai hay lạnh tay lạnh chân mà ăn là yêu luôn đấy.

Đừng hỏi ảnh chụp món ăn đâu. Chúng em lỡ ăn hết rồi.

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Câu chuyện đề kháng

Vi khuẩn kháng thuốc rõ ràng là ra đời từ nguồn bệnh viện, do hiện tượng lạm dụng kháng sinh kích thích tạo ra các chủng nhờn thuốc, nghe nói do chữa kháng sinh không dứt điểm nên tái đi tái lại, mỗi lần đều phải trị kháng sinh mới. Ok?

Đội anti vacxin là đội đề cao ăn uống, rèn luyện để nâng cao đề kháng tự nhiên, không dùng kháng sinh và tiêm phòng. Có bệnh sẽ dùng các liệu pháp dân gian tại nhà. Ok?

Đám chữa theo Tây Y được nửa liệu trình lại về với đông y, nam dược hay chữa theo kiểu có bệnh vái tứ phương không khỏi mới ôm con đến bệnh viện uống kháng sinh gọi là bọn nửa mùa không có chính kiến. Ok? Và bọn hở ra tý là kê kháng sinh tùm lum cho bệnh nhân đều là bọn bác sĩ cả. Ok? Và bọn được bác sĩ đúng bệnh kê thuốc, uống khỏi rồi nên tin tưởng, lần sau bị bệnh tương tự lại theo đơn cũ đi mua cho đỡ tiền khám và công chờ khám xong đếch khỏi lại đi khám càng không phải đội anti vacxin, hơn nữa còn có thể gọi tên chính thức là đội tín đồ của thuốc tây. Ok?

Xong rồi đứa nào bảo đội anti vacxin là nguyên nhân bùng phát các loại dịch mới nhờn tất cả các thể loại kháng sinh thế? Rõ ràng nguyên nhân là bọn đứng cuối, nạn nhân là cả 2 bên, cuối cùng thì đội 2 chết nhiều nhất mà. Ganh tỵ với tỷ lệ sống sót của con nhà người ta à?

Còn các bố các mẹ bây giờ ngồi hồi ức về những ngày xưa tươi đẹp, khi mà ai cũng tiêm phòng thì cũng nhớ cho rằng thực phẩm, nước, không khí và virus thời đó nó không phải là thực phẩm, nước, không khí và virus thời nay đâu ạ. Từ thời đó em đã biết, muỗi a nô phen trên rừng nó chỉ tập trung chuyên môn đốt bộ đội, không đốt dân bản đấy ạ. Vì các anh bộ đội các anh ý có màn và ăn khác.

Và nói chung, anti vacxin không có nghĩa là chỉ không tiêm và không dùng kháng sinh là hoàn thành công tác đâu ạ, còn phải giám sát được thực phẩm con ăn và sinh hoạt rèn luyện thể chất hàng ngày của con, chứ ông bà lại nhét cho mấy miếng bim bim, cô nuôi dạy trẻ lại đút cho mấy bát cháo thịt công nghiệp, hàng ngày con ôm smart phone ngồi chơi game thì có sức đề kháng bằng niềm tin.

Tôi thì tôi cho rằng, bởi đội này quá đông, người ta không dám bê lên thớt. Có mỗi đội anti vacxin là thiểu số ít ỏi, phù hợp để minh họa cho quan điểm mang mục đích gây chiến của người ta.

Súp đậu gà rong biển

Công thức món canh ấm bụng thông mũi, nấu nhân mấy ngày thời tiết miền bắc quá tổn hại hệ hô hấp nói chung:

1 bát đậu gà ngâm trước 4 tiếng, đổ nước ngâm rửa sạch,
rong wakame xắt vụn khô 2 thìa ngâm nở,
2 miếng rong kombu ngâm nở xé sợi.
Một nhánh gừng bằng ngón tay mài vụn,
một nhánh nghệ bằng ngón tay mài vụn,
3 bông hồi, 1 trái thảo quả đập dập,

tất cả cho vào nồi đun với 7 bát nước lạnh cho sôi bùng lên thì vặn nhỏ lửa, đậy vung đun đến khi đậu gà bở ra, vặn to lửa thêm 2 lạng ruột hàu và thìa muối, khi sôi lại vặn nhỏ lửa, nêm muối vừa miệng hoặc nêm muối hơi nhạt nếu sau này muốn thêm miso vào trước khi ăn. Đun thêm 15 phút để đậu thấm gia vị. Thả thêm 3 nắm yến mạch cán dẹp và nửa bát kê. Lại đun thêm 15 phút. Cho hành tăm thái nhỏ và tắt bếp, nếu thêm miso thì hòa miso với ít canh trong nồi cho tan trước rồi đổ vào. Món này ăn với bánh bao bánh mì hoặc há cảo. Không có hành tăm thì dùng hành hoa bình thường là được, tuy không thơm bằng.

Bạn nào ăn chay thì thử thay ruột hàu bằng gia vị bột nêm nấm rau củ.

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Dạy con về tài sản

Lúc chiều nghe một mẹ trẻ than là nuôi con tốn quá nên vợ chồng chả để ra được xu nào. Nhà có 2 cháu đang học trường quốc tế thôi. Tối lướt face lại thấy một mẹ đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi con tránh xa ảnh hưởng của Ipad bằng cách cùng con chơi vẽ tranh, tô màu.

Chợt nhớ cái thời mình còn tham gia CLB truyện tranh. Nói chung, nữ thanh niên tự thấy đó là một sở thích tốn kém, giấy vẽ màu nước là hàng chuyên dụng, đắt hơn giấy thường, màu nước tốt cũng đắt hơn màu thiên long nhiều, bút lông tốt, bút chì xịn, bút dạ đều đắt xắt ra miếng cả. Và hồi đó, nữ thanh niên từng phải trông trẻ 2 mầm non hội hoạ. Trình độ mới dừng ở mức vẽ càn tô bậy thôi. Cũng không thể yêu cầu cao hơn, vì lực tay của trẻ con rất nhỏ, bắp thịt chưa phát triển, khả năng kiểm soát và điều khiển bút rất hạn chế. Đến lớp 1, lớp 2 tập viết chữ to ở lớp cũng đã là một công trình chật vật, đừng nói trẻ nhỏ tuổi hơn. Khụ, tất nhiên, gọi mầm non hội hoạ là mình phóng đại vậy thôi.

Sự thật là mầm non hội hoạ thực sự mà mình quen ấy, chỉ cần một cây bút chữ A màu đen hay bút bi cũng tìm được cách để diễn tả một điều gì đó bằng hình ảnh. Chỉ có mấy cây bút sáp rẻ tiền cho học sinh mẫu giáo trong tay cũng có cách để bạn miêu tả ra những gam màu đặc sắc, với các bạn màu thiên long hay giấy lởm không phải là nguyên do tranh xấu. Đứng trước sức sáng tạo của các bạn ấy, mình luôn có cảm giác mình thật đúng là đứa ... thiểu năng về hội hoạ. Cho nên nếu con bạn đúng là một mầm non hội hoạ chân chính, sự thờ ơ thiếu tài bồi của bạn không thể giết chết tài năng của cháu nó được đâu, ngược lại còn tạo ra nhiều kì tích trong nghịch cảnh là khác. Còn nếu con bạn không phải, vậy thì tình hình là bạn không huỷ diệt mất cái gì cả khi bạn không mua cho nó màu xịn, bút xịn, giấy xịn. Những thứ quá xịn đó chỉ càng làm sự bất tài vô dụng của con bạn bị bóc trần lộ liễu hơn thôi.

Quay lại với 2 mầm non mình từng phải trông nom kia, hiện tường trong phòng mình vẫn còn lưu dấu kiệt tác vẽ bằng bút chì màu của 1 cháu, khổ, bút xịn nên màu bám rất chắc, nhưng chỉ nhiễm ra từng lớp mỏng manh, đòi hỏi người vẽ dùng lực tay để kiểm soát độ đậm nhạt, để vào tay trẻ con chả khác nào cho trâu ăn hoa mẫu đơn. Cháu nó vẽ bậy xong, mình lau khỏi sạch luôn. Cháu thứ 2 thì sành điệu vô cùng, tuy chính cháu cũng chả hiểu mình đang vẽ ra cái gì, nhưng nhất định phải được dùng bút tốt, giấy tốt, màu tốt nhất mới chịu. Khi mình không chịu đưa giấy Canson cho cháu nó vầy, chỉ cho phép tàn hại giấy Gango, cháu sầm mặt ra điều không vừa lòng và hỏi, thế giấy kia của cô giá bao nhiêu, cháu trả tiền.

Nói thiệt, lúc đó mình có cảm giác, để trẻ em tránh xa Ipad thôi là hoàn toàn chưa đủ bà con ạ. Mình không biết phải nói thế nào cho nhẹ nhàng, tình cảm, có tính xây dựng, thì cô tiểu thư 4 tuổi ấy mới hiểu, vào tay cháu thì cái đéo gì chả biến thành rác, tại sao cô phải giao một thứ có tiềm năng trở thành một bức tranh đẹp cho cháu để rác rưởi hoá nó? Nếu bạn thừa tiền thì nên quyên tặng cho những hoàn cảnh neo đơn, ấn tống kinh sách, cúng dường, làm cái gì đó để cuộc đời tốt đẹp hơn. Làm ơn đừng dạy con cái cách biến tiền bạc thành rác rưởi sớm như vậy.

Mình không nói là đừng có cho con bạn những gì tốt nhất nhé! Nhưng ít ra, chỉ nên cho trẻ những thứ quý giá khi trẻ đã có khả năng hiểu đúng giá trị của chúng và biết giữ gìn, bảo vệ, sử dụng. Mà hình như khả năng giữ của và sự quý trọng đồ đạc chỉ có thể rèn giũa ra nhờ sự thiếu thốn, khao khát, chứ không thể thành lập trong môi trường vật chất dư thừa.

Nói chung, transit mộc tinh đã vào cung bò cạp rồi đó. Cơ hội phát triển và tiến bộ đang dành cho những người có thể cái khó ló cái khôn. Rất nhiều chuyện có thể sẽ thông khi bạn biết thắt lưng buộc bụng, ẩn nhẫn, kìm chế. Còn về vụ chuyển hoá của bò cạp, mình vẫn thấy, biến tiền bạc thành rác rưởi dễ hơn biến mục nát thành thần kì nhiều. Cái thứ nhất, chỉ cần bạn có tiền. Cái thứ 2, đòi hỏi bạn phải có trình độ. Mà trình độ lại không phải là thứ có thể build up ra được trong ngày một ngày hai.

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Xen canh

Nhân dịp vườn nhà hoàn công và sẵn sàng cho trồng trọt. Em dịch 1 bài viết về đề tài xen canh dành tặng chính em và những cô chú, anh chị em quan tâm tới việc tối ưu hoá diện tích trồng trong 1 khu vườn nhỏ ít công chăm sóc và hứng thú mô hình vườn rừng.

Xen canh là biện pháp làm vườn rút ra từ việc học hỏi từ thiên nhiên. Tìm hiểu xem những cây nào trồng cạnh nhau sẽ không cạnh tranh dinh dưỡng, nguồn sáng, không hạn chế sự phát triển của nhau, hơn nữa còn có tác dụng tương hỗ qua lại giúp nhau sinh trưởng tốt hơn, chống lại sâu bệnh và tối ưu hoá diện tích đất trồng.

Ví dụ, trồng cây họ đậu có cộng sinh với nấm cố định đạm cho đất cạnh những cây cần lượng đạm lớn cho quá trình sinh trưởng. Trồng 2 loại cây rễ ăn ở tầng đất nông sâu khác nhau sẽ không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, trồng cây thân cao cứng cáp và ít bóng có thể làm chỗ bám cho cây ưa sáng mà thân yếu, trồng cây thân bò, lá lớn giúp che phủ đất và giảm lượng nước tưới, chống xói mòn, trồng loại cây có tác dụng xua đuổi sâu bệnh của cây khác, trồng cây có tác dụng thu hút tập trung sâu bệnh khỏi cây quan trọng, trồng loại cây thu hút sâu bệnh để trứng nhưng có chu kì phát triển khác với sâu bệnh nên cắt đứt được vòng đời của sâu, do đó có thể bẫy sâu. Trồng loại cây có mùi hương dẫn dụ côn trùng nên thu hút các loài thiên địch đến ăn sâu hại và thụ phấn. Ví dụ, cây điền thanh có thể bẫy khá nhiều loại sâu hại lúa, và làm phân xanh, cố định đạm. Trồng bí đỏ, ngô và đậu chung với nhau, bí đỏ giữ ẩm và mát luống, che sáng nên thu hút giun đất đào xới đến tận lớp đất bề mặt, rất tốt cho rễ đậu, đậu tổng hợp đạm cho đất, ngô hấp thu đạm này và cung cấp chỗ dựa cho đậu leo. Các cây họ cúc đuổi được nhiều loại sâu ăn lá. Thân nhiều cây họ cà có độc tố gây tê liệt thần kinh nên bị nhiều loại sâu bọ trưởng thành tìm chỗ đẻ trứng lảng tránh, có thể nhân tiện đuổi giúp cây hàng xóm của nó. Những cây càng ở cạnh nhau càng tươi tốt như vậy được cho là yêu thích nhau.

Đảo ngược lại, có những cây nếu trồng cạnh nhau sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, thu hút sâu bệnh tới hãm hại nhau, nên sẽ bị cho là ghét bỏ nhau.

Bài viết này lấy nguồn từ trang http://www.heirloom-organics.com/guide/companionplanting.html và bổ sung 1 số ảnh chụp mượn được qua google. Do nội dung đa phần dành cho rau củ quả của Âu Mỹ nên khó tránh khỏi hạn chế. Em sẽ bổ sung bài về xen canh rau củ quả Việt Nam sau khi có thông tin chính xác về các loại rau củ khi trồng chung của Việt Nam sau. Những phần thích hay ghét bị bỏ trống là do trong bài không cung cấp thông tin:

1. Măng Tây (asparagus)

Thích: Húng quế, cà chua, cải xoong, rau mùi
Ghét: Hành tây, tỏi, khoai tây

2. Chi đậu ván (Beans) 

Thích: cà rốt, cải bắp, lơ trắng, dưa chuột, cây của chi cúc vạn thọ
Ghét: hành tăm, tỏi tây, tỏi

3. Đậu răng ngựa (đậu tằm) (Broad Beans)


Thích:  cây thuộc chi cải, cà rốt, cần tây, ngô, xà lách, khoai tây
Ghét: tiểu hồi (1 loại thì là để lấy hạt làm gia vị)  (fennel)

4. Củ dền (Beets)


Thích: cây thuộc chi cải, xà lách, hành tây, cây xô thơm (sage)
Ghét: đậu cove thân leo

5. Lơ xanh (Broccoli)

Thích: cần tây, cúc la mã, thì là, cây hương thảo
Ghét: kinh giới cay (oregano), dâu tây

6. Bắp cải tý hon (Brussel Sprouts)


Thích: khoai tây, cỏ xạ hương (thyme)
Ghét: dâu tây

7. Cải Bắp (Cabbage)


Thích: củ dền, khoai tây, kinh giới cay, cây xô thơm
Ghét: dâu tây, cà chua

8. Cà rốt (carrot)


Thích: đậu cove bụi, đậu cove leo, xà lách, hành tây, đậu hà lan, cà chua
Ghét: húng quế, thì là, củ cải vàng (parsnip) cải củ (radish),

9. Lơ trắng (cauliflower)

Thích: cây thuộc chi đậu ván, cần tây, kinh giới cay (oregano)
Ghét: cải xoong, cây trong chi đậu hà lan, khoai tây, dâu tây, cà chua

10. Cần Tây (celery)

Thích: cải bắp, tỏi tây, hành tây, rau chân vịt, cà chua
Ghét: củ cải vàng, khoai tây

11. Ngô (corn)

Thích: cây trong chi đậu ván, dưa chuột, dưa lưới, đậu hà lan, bí đỏ, khoai tây, cải củ
Ghét: cà chua

12. Dưa chuột (Cucumber)

Thích: chi đậu ván, cần tây, xà lách, đậu hà lan, cải củ
Ghét: lơ trắng, khoai tây, húng quế

13. Cà dái dê (cà tím trái dài) (Eggplant)

Thích: chi đậu ván, chi ớt, khoai tây, rau chân vịt
Ghét: 

14. Tỏi tây (leek)

Thích: cà rốt, cần tây, dâu tây
Ghét:

15. Xà lách (Lettuce)

Thích: cà rốt, cải củ, dâu tây
Ghét: chi đậu ván, củ dền, mùi tây

16. Dưa lưới (melon)

Thích: ngô, cải củ
Ghét: khoai tây

17. Hành tây (onion)

Thích: rau mầm, lơ xanh, cải bắp, xà lách, dâu tây, cà chua
Ghét: chi đậu ván, đậu hà lan

18. Đậu hà lan (pea)

Thích: chi đậu ván, cà rốt, ngô, dưa chuột, cải củ
Ghét: cây họ hành

19. Khoai tây (potato)

Thích: chi đậu ván, ngô, cải bắp, đậu hà lan, cà dái dê
Ghét: dưa chuột, bí rợ, hoa hướng dương, bí (squash)

20. Bí rợ (pumpkin)

Thích: ngô
Ghét: khoai tây

21. Rau chân vịt (spinach)

Thích: cần tây, lơ trắng, cà dái dê
Ghét: 

22. Cà chua (tomato)

Thích: măng tây, cần tây, cà rốt, mùi tây, chi cúc vạn thọ
Ghét: ngô, khoai tây, tiều hồi (fennel)

23. Bí ngòi (zucchini)

Thích: cải xoong
Ghét:

Một số gợi ý về bố cục luống

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Miến xào chay:

Ảnh sẽ được update sau.
Nguyên liệu:
Miến dong xịn của em Tra Nguyen giới thiệu nguồn mua, 2 cuộn, ngâm mềm, cắt khúc vừa ăn
Miso ngon, mua ở Xóm Gạo Lứt, Bình Dương, ngoáy đũa 1 cái kéo ra, chả biết gọi là bao nhiêu nữa. Hoà với nước đun sôi để nguội cho tan.
Cà rốt muối dấm nhà làm, thái sợi
Một củ su hào thái sợi, bóp muối hạt cho mềm
Vài quả đậu xắt xéo cho tăng thêm phần màu sắc
Một quả ớt bỏ hạt, xắt sợi
Mộc nhĩ nấm hương ngâm nở, xắt sợi
Một quả cà chua thái múi cau mỏng
Một bát nước để thêm bớt trong lúc làm.

Quá trình chế tác:
Đổ dầu, vừng hay lạc vào chảo nóng, khuyến cáo chớ dùng dầu dừa. Mùi không hợp.
Đổ su hào vào xào xào xào. 2 phút
Đổ tiếp nấm hương mộc nhĩ vào xào xào xào. 2 phút
Đổ đậu quả vào xào và thêm tý nước. Xào đến khi đậu chuyển màu xanh thẫm thì đổ thêm nửa bát nước rồi đổ miến vào. Trộn đều cho mềm. Trong quá trình xào, nếu thấy khô, thêm tý nước. Khi miến bắt đầu nở thì cho ớt. Miến chín thì cho cà chua và cà rốt muối dấm đảo đều. Vẫn thêm nước nếu khô, sao cho khi trong chảo còn đọng tý nước mà miến chín thì tắt bếp là vừa.
Đổ miso hoà tan ban đầu vào trộn đều. Thấy khô chảo thì xúc miến ra đĩa.

Thành phẩm: Miến tơi, thấm đượm vị nước cốt su hào và miso ngọt đậm đà. Cà chua chua mát. Cà rốt mặn ngọt chua đậm đà. Đậu ngọt mát. Tổng vị hơi cay cay. Lượng nguyên liệu trên làm thành 3 suất cho 3 người ăn.
Đề cử khác: có thể thêm củ đậu xắt sợi. Có thể muối nén cả củ su hào 2 ngày rồi mới mang ra thái xào để tăng độ giòn cho thành phẩm.

Lưu ý: chú ý tổng lượng muối của thành phẩm khi lấy miso và ướp su hào.
Cách làm cà rốt muối dấm: Đem cà rốt nén với muối, lượng muối đến bão hoà vài ngày cho ra bớt nước. Xếp cà rốt đã teo lại vào lọ thuỷ tinh hay vại sành rồi đổ dấm ăn cho ngập, cài vỉ nén. Để thêm 2 ngày thì có thể cất tủ lạnh để cả năm vị vẫn tươi giòn, thơm ngon. Dấm này sau khi dùng ngâm cà rốt có thể để làm gia vị bình thường, sẽ có vị kết hợp chua, mặn, ngọt. Có thể thay cà rốt bằng loại củ khác, miễn là có độ ngọt.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Thăm trang trại Tuệ Viên

Thứ 7, 19/9 vừa rồi, mình đã tham dự lần gặp mặt đầu tiên của các Cọng Rơm đang cùng chung chí hướng trên con đường hướng tới Nông Nghiệp Tự Nhiên. Chương trình bao gồm phần tự giới thiệu bản thân của những ai tham dự. Một buổi trao đổi rất sống động, thiết thực về chuẩn quốc tế PGS cho nông sản hữu cơ dành cho các nhóm hộ nông dân vốn nhỏ, xây dựng trên nền tảng của nguyên tắc kiểm tra chéo đang áp dụng tại Việt Nam. Mình có ghi âm phần này, nhưng chất lượng ghi âm qua điện thoại không cao lắm, tạp âm nhiều.

Phần tiếp theo của chương trình là thăm quan trang trại Tuệ Viên do chị Liên, chủ nhân của trang trại làm người hướng dẫn. Phần này thì không ghi âm mà chỉ được ghi nhớ. Hôm nay, mình xin được dựa vào trí nhớ để kể về cái hay cái đẹp của trang trại Tuệ Viên mà mình được may mắn ghé thăm dưới sự hướng dẫn của bà chủ trại nhiệt tình. Có thể nói, nếu thiếu đi những chỉ dẫn, miêu tả, lời kể của chị ấy trong chuyến đi, mình đến trại cũng chỉ có thể nhìn mà không thể thấy. Bởi vì, chỉ có người đã sống với trang trại, đặt hết tâm tư, tình cảm của mình vào nó trong 1 khoảng thời gian thật dài, thật dài mới có thể hiểu rõ ý nghĩa của từng cành cây, ngọn cỏ trong khu trại mà thôi. Những gì mình sắp kể ra đã trở thành đúc kết, thành kinh nghiệm mà chị vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhưng con đường đi tới những đúc kết ấy, nhất định là đã nhận rất nhiều chông gai, mưa nắng, có rất nhiều thất bại, đòi hỏi nhiều quan sát và cả suy tư.

Trang trại rau hữu cơ Tuệ Viên là 1 địa chỉ rất chú trọng bảo vệ tính đa dạng sinh học của cây trồng. Trại nằm giữa những vườn ổi được canh tác theo kiểu thông thường hiện nay, so với việc nằm giữa những khu ruộng hay vườn rau bình thường, nhiều nguy cơ đã được giảm bớt, chẳng hạn, nguy cơ thu hút hay lây nhiễm các chủng sâu bệnh từ cùng giống cây trồng mọc ở các mảnh đất xung quanh, nhất là nguy cơ trở thành cảng tránh nạn cho đám sâu hại khi vùng thức ăn của chúng bị chủ các vườn khác phun thuốc tiêu diệt, xua đuổi, trong khi bản thân trại bảo trì thái độ không dùng hoá chất dù dưới dạng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.

Về mặt địa thế, một mặt của trại tiếp giáp với đường cái trong ngõ, vốn được đôn lên cao hơn so với đất ở các khu vườn xung quanh để tránh ngập nước mùa mưa, cũng nhờ đó tránh cho trại bị nước mưa có thể hoà tan hoá chất từ các vườn cây đối diện chảy sang. Một mặt khác của trại được cách ly với khu vườn nhà hàng xóm bằng cách trồng 1 hàng ổi và đào 1 rãnh dẫn nước, rãnh nước cũng dùng để thoát nước mưa tràn từ nhà hàng xóm sang, còn hàng ổi để làm bình phong tự nhiên, ngăn các hoá chất phát tán theo gió, trái của những cây ổi này không đủ sạch để dán nhãn sản phẩm hữu cơ, nhưng vẫn sạch hoá chất hơn loại ổi bán ngoài chợ. Một mặt nữa của trại là khu nhà xưởng. Mặt cuối cùng có 1 ao nước lớn.

Trại Tuệ Viên trồng rất nhiều hoa dâm bụt, theo chị Liên chia sẻ, cây dâm bụt có rất nhiều công dụng. Đầu tiên là thu hút bọ nhảy và rệp cây. Nếu làm 1 phép tuyển giữa cây dâm bụt và cây đu đủ, rệp cây thích dâm bụt hơn, cho nên trong 1 điều kiện đã khống chế lượng rệp cây không phát triển lan tràn, trồng thêm dâm bụt có thể bảo vệ đu đủ khỏi rệp. Còn nhân tố giúp khống chế lượng rệp cây chính là kiến đen. Ngoài ra, hoa dâm bụt còn có thể dùng để tạo màu sắc đẹp cho thực phẩm và nước rửa bát nguồn gốc hữu cơ. Thân cành rễ của nó đều có dược tính. Có 1 công dụng đặc biệt khác của dâm bụt héo có liên quan đến lũ ốc sên. Chị Liên kể, mỗi khi trời mưa ngập các khu vườn bên cạnh, ốc sên lại hành quân từng đàn qua vườn nhà chị tỵ nạn, sau đó có nguy cơ không chịu dọn đi. Lúc đó trại phải đào những cái hố thả đầy dâm bụt đã héo xuống để bẫy ốc sên, vì ốc sên không ăn dâm bụt tươi trên cây, nhưng lại thích dâm bụt đã héo. Số ốc sên bẫy được này được đem đi ủ phân để bón cho cây trong trại.

Loại phân xanh có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong trại là phân xanh ủ từ cỏ lạc. Cỏ lạc rất dễ trồng, bản thân nó cũng cố định đạm cho đất và tăng màu cho mảnh đất nó mọc lên. Chị Hằng bên Xanh Shop chia sẻ là có 1 anh chủ trại khác là anh Thắng ở Đà Lạt đã thử gây cỏ lạc để lấy phân xanh và tăng màu cho đất trồng, nhưng sau đó cỏ lạc nhà anh lại thu hút đến rất nhiều sâu và chúng nó phá tan hoang vườn cà chua nhà anh luôn. Tuy nhiên, tính độc canh trong trại nhà anh Thắng rất cao, trại nhà anh tạo 1 ấn tượng rất công nghiệp hoá với những vạt đất bạt ngàn chỉ duy nhất 1 loại cây, còn trại của chị Liên là 1 tổng thể đa dạng,với cỏ lạc mọc sát mặt đất, phủ kín quanh những gốc dâm bụt, thi thoảng lại có vài ngọn rau sam, dền cơm, và nhiều loại hoa cỏ tôi cũng không biết tên đan xen, ngay cạnh dâm bụt là đu đủ, hay những chân cột của dàn dây leo gồm mướp, bầu, hoa giun, ti gôn, hoa hoàng anh, hình như tôi đã thấy dây nho, và còn nhiều loại cây nữa nhưng ngại quá, tôi không kịp nhớ hết tên. Ngoài cỏ lạc, chị Liên còn dùng phân giun. Phân bò để nuôi giun là loại bò chăn thả không ăn thức ăn công nghiệp, chị phải nhập về. Trong dạng phân bò này có rất nhiều hạt giống đa dạng, chúng theo phân rải xuống và lại mọc lên trong trại, làm tăng cường tính đa dạng sinh học cho trại của chị. Chính việc độc canh 1 loại cây khiến cho những loại cây khắc chế thiên địch của cây độc canh đó không có đất dụng võ và có thể tạo ra sự bùng nổ dân số của nhiều loại sâu bệnh. Tôi và chị Hằng nhìn tới nhìn lui nhưng cũng chịu thua, chẳng biết thứ đã khắc chế loại sâu tấn công cỏ lạc và cà chua nhà anh Thắng rốt cục là loại nào trong số rất nhiều loại cây khác nhau đan chen đa dạng trong trại của chị Liên.

Những vòm dây leo cũng rất có ý nghĩa, vừa cung cấp rau quả, vừa tạo bóng mát và không gian sinh hoạt dễ chịu bên dưới, lại góp phần làm đẹp cảnh quan. Chị Liên kể lại, do các dàn dây leo được thiết kế liên hoàn nên trong trận mưa bão lớn vừa rồi, khi 1 khu sinh hoạt bằng tre nứa lợp lá của nhà chị bị tốc mái và sập vào dàn dây leo, nó kéo đổ toàn bộ dàn dây leo như 1 hiệu ứng domino, phải mất 3 tháng mới tạm gọi là khắc phục xong đống đổ nát này. Việc sử dụng tre nứa trong xây dựng tuy thân thiện với môi trường nhưng cũng tăng tính bất ổn và thiếu bền vững của công trình lên rất nhiều. Những bạn nào đang mơ về dàn hoa bằng cọc tre và những mái nhà lợp lá dừa, lá cọ trong 1 khu vườn thuộc về mình cần cân nhắc nhiều hơn.

Trại của chị Liên không có chăn nuôi giết mổ nên không có mùi phân chuồng, không khí tươi mát trong lành. Nhưng khi đi trong vườn, thi thoảng tôi ngửi thấy những mùi hương kì quặc bốc lên, từa tựa như mùi mắm. Đến tận lúc vào thăm quan nhà xưởng và xem các thùng, cái thì ủ cá, cái thì ủ cà chua xanh, ủ ớt, ủ cây xuyến chi với các men vi sinh khác nhau. Tôi mới biết đó là mùi của các loại thuốc bảo vệ thực vật của nhà trồng được, có tác dụng xua đuổi côn trùng, sâu bệnh. Ngoài chiêu này và và chiêu xen canh, (bên cạnh dâm bụt, chị Liên còn dùng cả cây hướng dương để hút rệp, bảo vệ đu đủ trong trại). Chị Liên còn chia sẻ 1 chiêu nữa là luân canh. Sau khi trồng hành, rất nhiều loại mầm bệnh có hại cho cà chua trong đất đã bị xua đi hay bị diệt, lúc đó ta lại trồng cà chua.

Ngoài việc sử dụng trong chế biến thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học còn có thể dùng để làm tăng hay giảm độ chua của đất, chị Liên đã áp dụng chiêu này để xử lý bùn ao vét lên. Bùn ao rất giàu dinh dưỡng, nhưng độ pH thấp, tóm lại là 1 dạng đất chua, trồng cây gì chết cây ấy, kinh nghiệm của bà con nông dân là vét lên xong phải để đó cả năm mới lấy đi bón ruộng bón vườn. Sau khi xử lý bùn ao bằng chế phẩm sinh học độ 2 tháng, chị Liên đã có thể dùng nó trồng cây, cây lên xanh tốt, bà con hàng xóm rớt cằm, gọi chị là phù thuỷ.

Những mảnh đất chưa canh tác trong trại Tuệ Viên không bỏ trống mà mọc bạt ngàn cây xuyến chi. Theo chia sẻ của chị Liên, cây xuyến chi bản thân có dược tính, nếu ta thêm vào thức ăn cho vật nuôi độ 5% cây xuyến chi, chúng sẽ phòng tránh được bệnh đường ruột. Ngọn non của cây này người cũng có thể ăn như rau. Loại cây này có khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên nên bản thân nó chẳng bao giờ bị sâu phá, đó là lý do nó vinh dự được vào thùng trong công trình nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật cây nhà lá vườn của trại Tuệ Viên.

Phần cá nhân tôi tâm đắc nhất trong các chia sẻ của chị Liên là triết lý tận dụng. Rác thải biến thành rác thải là vì chúng ta không chịu nghĩ cách sử dụng chúng vào mục đích có ích. Khi trở nên hữu ích, vậy rác thải không còn là rác mà chính là 1 dạng tài nguyên. Những con đường trong trại Tuệ Viên thường được lót bằng những tấm bê tông cắt vuông. Đó vốn là bê tông thừa ở các công trình xây dựng lớn mà người ta phải lén lút đem đi đổ bỏ như 1 thứ rác khó phân huỷ. Chị Liên mua rẻ lại chúng và tận dụng chúng để phục vụ việc kiến thiết trang trại nhà mình.

Trại Tuệ Viên đang xây 1 căn nhà bằng cách sử dụng những vỏ chai nhựa đổ đầy cát thay cho gạch như 1 biểu tượng của việc đánh thức ý thức tận dụng và tái chế rác khó phân huỷ, truyền đạt 1 thông điệp về môi trường cho các bạn trẻ và các em nhỏ đến thăm quan trại.

Và còn nhiều kế hoạch hơn nữa, chẳng hạn như việc góp sức trong công cuộc xây dựng ngân hàng hạt giống để bảo tồn những giống cây bản địa trước những nguy cơ từ hạt giống GMO. Kế hoạch hỗ trợ đào tạo "nông dân" có tri thức để gửi đến những mảnh đất sẵn sàng cho nông nghiệp hữu cơ khác, giúp củng cố và phát triển chương trình người tìm đất, đất tìm người đang manh nha nảy mầm. Kế hoạch đánh thức ý thức cộng đồng thông qua truyền thông và thực tế... Sau chuyến thăm quan, mọi người đã bàn bạc, trao đổi thật sôi nổi, và chắc chắn sẽ còn liên lạc với nhau, và sẽ gặp lại nhau trong 1 ngày không xa.

Vâng, trên đây là câu chuyện kể về lần gặp mặt chính thức đầu tiên của các Cọng Rơm, những người được truyền cảm hứng và biết đến nhau, bắt đầu từ sự nặng lòng với thực phẩm sạch, môi trường sống, tình yêu thiên nhiên và ý thức cộng đồng.

Được ghi lại theo hồi ức của 1 kẻ lúc đầu giờ đã tự giới thiệu về mình như 1 người có lòng hô hào cổ động mọi người sống xanh, ăn sạch nhưng mà cái gì cũng không dự định bán.