Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Cảm nghiệm về ăn số 7

Dạo này nhiều bạn PM hỏi, chứ ăn số 7 tốt không, tốt như nào, sao các bác cây đa cây đề người khen người chê làm bọn hậu bối cứ loạn cả óc lên thế. Trước khi đi thẳng vào việc trả lời câu hỏi này, mình xin mượn tạm 1 câu trong công án thiền đại ý thế này: "Vịt lạnh thì nó lặn xuống nước, gà lạnh thì nó đậu trên cây" Diễn dịch nôm na ra có nghĩa là tuỳ trường hợp mà liệu cơm gắp mắm.

1. Ăn số 7 rất tốt, nếu áp dụng cho đúng đối tượng, đúng trường hợp.
2. Đừng nhìn vào mâm mà hỏi ăn thế có quân bình không, bạn phải nhìn vào... phân của bạn (không phải của thằng khác, không phải của thầy nhé)
3. Tiên sinh Ohsawa luôn bảo các bạn không cần phải làm 1 kẻ tôi bảo sao tin vậy, các bạn phải thử nghiệm, phải suy xét, phải ngẫm nghĩ về những gì tôi nói đã, lúc đó nếu thấy đúng thì theo. Kết quả câu gì tiên sinh nói mọi người cũng tin luôn, chả nghĩ nhiều, trừ câu này.
4. Đáng lẽ câu đầu tiên các bạn cần hỏi phải là mấy cây đa cây đề ấy đã ăn số 7 bao giờ chưa, ăn bao nhiêu ngày, cảm giác thế nào, tại sao họ thấy tốt, tại sao họ thấy không tốt?

Mục tiêu của số 7 không phải là gạo lứt và muối mè, mục tiêu của nó là chứng minh 1 công thức ăn giản dị nhất, nhưng quân bình là hoàn toàn đủ để đem lại cho con người sức khoẻ, trí óc minh mẫn, tâm trạng thăng bằng, cảm giác viên mãn và hạnh phúc. Nhưng mà thế nào là quân bình? Người Nhật, người Mỹ, người châu Âu, những nơi áp dụng số 7 như 1 chế độ ăn quân bình đều có khí hậu ôn đới. Còn nước ta, có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tất nhiên, theo quy tắc ăn thực phẩm tại địa phương thì gạo nước ta âm hơn gạo trồng ở các nước ôn đới. Nhưng mà, chủng loại gạo cũng nhiều, gạo trắng, gạo đỏ, gạo đen, gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, mỗi loại mức độ dương tính cũng khác nhau. Sau đó lại xét tới tạng người, có người tạng âm cần ăn dương hơn, tạng dương cần ăn âm hơn. Mùa hè cần ăn âm hơn, mùa đông cần ăn dương hơn. Trời mát có thể ăn dương hơn, trời nóng thì ăn âm hơn. Cho nên kể cả là ăn số 7, cũng phải chọn ra loại gạo, loại vừng và tỷ lệ muối thích hợp để tạo ra 1 công thức ăn quân bình thực sự. Và nó có quân bình hay không, chúng ta sẽ xem xét thông qua quan sát đầu ra, tức là phân của người ăn. Phân nát là âm cần ăn dương hơn, táo rắn là dương cần ăn âm đi. Nếu đầu phân rắn đuôi nát là táo do âm, thường xuất hiện ở người ăn chay lâu ngày, phải trị bệnh ứ trệ của đường ruột trước rồi hẵng ăn số 7, chế độ ăn phải có những loại thực phẩm hay gia vị có tính ấm như nghệ, gừng, hồi, quế, thảo quả. Những người bị táo âm cần thận trọng khi dùng rong biển, vì thứ này tính hàn.

Trước khi biết đến Thực Dưỡng, tôi từng tập ngồi Thiền 1 thời gian. Cái thứ tâm an lạc sinh ra khi thiền định mà mọi người hay dùng mỹ danh là kinh nghiệm tâm linh ấy, nói thành thật là so với cảm giác nhìn thấy giai đẹp và rung rinh trong lòng, thấy giai cười mà tim bay bay hồn say say, thì còn mạnh hơn nhiều, phê hơn nhiều. Cho nên có 1 thời tôi cũng "cuồng thiền" ra trò. Còn tâm trạng "cuồng giai" với vì yêu sinh hận thì nói thật, tôi không hiểu lắm, chả lẽ nó giống như lời 1 bài hát nhảm hồi bé tôi được dạy: "10 đồng 4 chiếc kem, ăn xong mới chết thèm, cha bố cái thằng bán kem đến đây cho bà chết thèm, bà về bà mài dao găm sáng mai ra chợ đâm nhau". Maybe?

Cho nên là, có 1 lần tôi đã cho 1 bạn trẻ thất tình đang đau khổ quạ không biết làm sao 1 lời khuyên sấm sét nghe đến là hoang đường lại thiếu cơ sở lý luận khoa học thế này. "Về nhà bà Lý xin ở nhờ 2 tuần, tắt hết điện thoại, liên lạc các kiểu rồi dứt khoát ăn số 7 trong 2 tuần ấy đê. Mày sẽ qua khỏi." Hôm đó có n người đã chứng kiến lời khuyên của tôi, nhưng 1 người làm theo, tức là về nhà thử ăn số 7 cũng không có. Rõ khổ, tôi biết họ không tin, nhưng thử ăn số 7 độ 2 tuần thôi đâu có chết người? Mà cho là tôi lừa họ đi chăng nữa, làm như tôi bám theo họ về tận nhà theo dõi để xem họ mắc lừa thế nào không bằng. Cho nên mỗi khi quảng cáo về cái hay cái đẹp của số 7 mà người ta không tin, không thử, tôi thường kết luận là họ chưa đủ bất hạnh để có thể sẵn sàng bấu víu vào bất cứ thứ gì nghe đồn là có ích (không chừng người ta lại còn có cả cái thú đau thương). Vì cái kết luận máu lạnh này mà tôi bị người ta tốc váy lên chửi không biết bao nhiêu lần.

Sự thực là, cái tâm trạng khi yêu nó không phê bằng tâm trạng khi thiền, mà tâm trạng khi thiền ấy thì tuy phê bằng, nhưng độ ổn định thì không cao bằng tâm trạng khi ăn số 7 nhiều ngày (ai muốn thử, làm ơn thử vào mùa đông, hoặc nhớ chọn loại gạo hạt dài mà nấu cơm, đừng nhân tiết trời bây giờ mà dương hoá cơ thể quá lố lên rồi bảo tôi nói láo, cảm ơn).

Lý luận của tôi là, có ai được mời vào nhà hàng 5 sao danh xứng với thực ăn phủ phê 1 trận xong còn nhớ mãi không quên cái bánh mì không người lái mua ở vệ đường đã bị 1 đứa sắp chết đói giật mất không? Có ai đang no xôi chán chè mà nuốt nước miếng hay chảy dãi khi nhìn thấy 1 món ăn ngon hay ngửi thấy mùi thức ăn quyến rũ không? Vậy nếu người ta có thể vì tình mà đấu đá với cả gia đình, tại sao lại không thể vì số 7 mà đấu? Tôi e là vì người ta sẽ không bị tiếng sét ái tình với số 7. Nhưng ai đã từng có duyên ăn số 7 dài ngày 1 lần mà không bị ngăn cấm, thì sau đó thường chấp cả họ luôn.

Trong số bạn thực dưỡng mà tôi quen, tôi nhớ là chỉ khuyên được có 1 người ăn số 7, 1 người nữa lúc còn khuyên tử tế thì không ăn, nghe đồn sau khi bị tôi chửi bới tơi bời và không thèm nói chuyện nữa thì có ăn, 1 người nghe tôi khuyên thì không ăn, sau nghe 1 cô khác khuyên thì ăn. Tất cả những người còn lại, trừ những người từng ăn số 7 từ trước khi gặp tôi, đều ăn theo công thức số 8. (Lưu ý, 10 công thức của thực dưỡng được đánh số là -3,-2,-1. 1,2,3,4,5,6,7) Tóm lại, họ tin tưởng từng lời từng chữ của tiên sinh Ohsawa chỉ dạy, nhưng làm theo thì không. (Nói chung với họ giáo lý là để thờ, không phải để áp dụng)

Người duy nhất từng tiếp thu lời khuyên của tôi nhanh gọn lẹ sau bị cuồng số 7 luôn, còn ủ mưu cả đời ăn số 7 không cần thêm cái gì nữa, sau vì ăn số 7 chặt quá nên bị lở miệng 1 trận, nhưng vẫn quyết tâm miệng có thể lở, số 7 không thể bỏ. Tôi khuyên cô ấy nên ăn ra, chỉ cần ăn chay và chú ý quân bình thôi nhưng cô không nghe, tôi nghĩ thôi thì cứ chờ đến khi ăn số 7 mà không thấy an lạc nữa thì may ra cô nghĩ lại. Sau đó chúng tôi cũng mất liên lạc. Cũng 7-8 năm không gặp rồi, chả biết cô ấy đã ăn ra chưa.

Về lịch trình áp dụng số 7 của tôi, thành thật mà nói, ngoài 1 đợt ăn ròng rã 2 tháng số 7 duy nhất, tôi không hề áp dụng nó dài ngày lần nào. Từ hồi đó đến giờ, lâu thì tôi ăn được 2 bữa cơm liên tục là đúng chuẩn số 7, ít thì 1 bát là số 7, 2 bát còn lại, số khác. Với tư cách 1 người thực hành Thực Dưỡng và nghiên cứu Chiêm Tinh, quan điểm của tôi là Chiêm Tinh có thể cho bạn công cụ để biết mệnh, nhưng muốn sửa mệnh thì cái bạn thực sự cần là Thực Dưỡng. Mà áp dụng Thực Dưỡng cho đúng, không thể thiếu ít nhất 1 lần ăn số 7 dài ngày để đánh giá hết giá trị của nó, và cả triết lý xuyên suốt của Thực Dưỡng về sự quân bình, về cái gì gọi là đơn giản, hợp lý chính là đạo.

Nếu có 1 người chê số 7, theo ý tôi hoặc là đời họ đã đủ vui, không truy cầu gì thêm, hoặc là đầu óc họ có vấn đề. Cho nên tôi mà thấy người nào trên mặt có 2 chữ phiền não rõ to mà chê số 7, tôi liền mặc định là đầu óc họ có vấn đề. Còn người nào trên mặt có 2 chữ phiền não to oành mà khen số 7, khả năng cao là họ đang nói dối. Cá nhân tôi thì biết có 1 số cây đa cây đề trong ngành buôn bán hàng hoá Thực Dưỡng chê số 7, mà cả đời chưa bao giờ ăn được 1 bữa nào theo số 7, tóm lại, thực ra chẳng biết nó là cái gì đã ngoạc mồm chê. Thật muốn bình 1 câu "có phúc mà không biết hưởng thì khổ đừng đổ tại số"

Trên mảnh đất lắm người nhiều ma gọi là Thực Dưỡng Việt Nam này. Bạn có nhiều cơ hội để bị lừa, nhưng cũng có thể coi đó là động lực để bạn phát triển trí phán đoán riêng. Và chỉ khi bạn thực sự nghĩ bằng cái đầu của mình, thì ứng dụng của âm và dương, cũng như tự do và hạnh phúc mới thực sự ở trong tay bạn. Cho dù lúc đó bạn đang ăn số mấy.

Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.