Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Miến xào chay:

Ảnh sẽ được update sau.
Nguyên liệu:
Miến dong xịn của em Tra Nguyen giới thiệu nguồn mua, 2 cuộn, ngâm mềm, cắt khúc vừa ăn
Miso ngon, mua ở Xóm Gạo Lứt, Bình Dương, ngoáy đũa 1 cái kéo ra, chả biết gọi là bao nhiêu nữa. Hoà với nước đun sôi để nguội cho tan.
Cà rốt muối dấm nhà làm, thái sợi
Một củ su hào thái sợi, bóp muối hạt cho mềm
Vài quả đậu xắt xéo cho tăng thêm phần màu sắc
Một quả ớt bỏ hạt, xắt sợi
Mộc nhĩ nấm hương ngâm nở, xắt sợi
Một quả cà chua thái múi cau mỏng
Một bát nước để thêm bớt trong lúc làm.

Quá trình chế tác:
Đổ dầu, vừng hay lạc vào chảo nóng, khuyến cáo chớ dùng dầu dừa. Mùi không hợp.
Đổ su hào vào xào xào xào. 2 phút
Đổ tiếp nấm hương mộc nhĩ vào xào xào xào. 2 phút
Đổ đậu quả vào xào và thêm tý nước. Xào đến khi đậu chuyển màu xanh thẫm thì đổ thêm nửa bát nước rồi đổ miến vào. Trộn đều cho mềm. Trong quá trình xào, nếu thấy khô, thêm tý nước. Khi miến bắt đầu nở thì cho ớt. Miến chín thì cho cà chua và cà rốt muối dấm đảo đều. Vẫn thêm nước nếu khô, sao cho khi trong chảo còn đọng tý nước mà miến chín thì tắt bếp là vừa.
Đổ miso hoà tan ban đầu vào trộn đều. Thấy khô chảo thì xúc miến ra đĩa.

Thành phẩm: Miến tơi, thấm đượm vị nước cốt su hào và miso ngọt đậm đà. Cà chua chua mát. Cà rốt mặn ngọt chua đậm đà. Đậu ngọt mát. Tổng vị hơi cay cay. Lượng nguyên liệu trên làm thành 3 suất cho 3 người ăn.
Đề cử khác: có thể thêm củ đậu xắt sợi. Có thể muối nén cả củ su hào 2 ngày rồi mới mang ra thái xào để tăng độ giòn cho thành phẩm.

Lưu ý: chú ý tổng lượng muối của thành phẩm khi lấy miso và ướp su hào.
Cách làm cà rốt muối dấm: Đem cà rốt nén với muối, lượng muối đến bão hoà vài ngày cho ra bớt nước. Xếp cà rốt đã teo lại vào lọ thuỷ tinh hay vại sành rồi đổ dấm ăn cho ngập, cài vỉ nén. Để thêm 2 ngày thì có thể cất tủ lạnh để cả năm vị vẫn tươi giòn, thơm ngon. Dấm này sau khi dùng ngâm cà rốt có thể để làm gia vị bình thường, sẽ có vị kết hợp chua, mặn, ngọt. Có thể thay cà rốt bằng loại củ khác, miễn là có độ ngọt.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Thăm trang trại Tuệ Viên

Thứ 7, 19/9 vừa rồi, mình đã tham dự lần gặp mặt đầu tiên của các Cọng Rơm đang cùng chung chí hướng trên con đường hướng tới Nông Nghiệp Tự Nhiên. Chương trình bao gồm phần tự giới thiệu bản thân của những ai tham dự. Một buổi trao đổi rất sống động, thiết thực về chuẩn quốc tế PGS cho nông sản hữu cơ dành cho các nhóm hộ nông dân vốn nhỏ, xây dựng trên nền tảng của nguyên tắc kiểm tra chéo đang áp dụng tại Việt Nam. Mình có ghi âm phần này, nhưng chất lượng ghi âm qua điện thoại không cao lắm, tạp âm nhiều.

Phần tiếp theo của chương trình là thăm quan trang trại Tuệ Viên do chị Liên, chủ nhân của trang trại làm người hướng dẫn. Phần này thì không ghi âm mà chỉ được ghi nhớ. Hôm nay, mình xin được dựa vào trí nhớ để kể về cái hay cái đẹp của trang trại Tuệ Viên mà mình được may mắn ghé thăm dưới sự hướng dẫn của bà chủ trại nhiệt tình. Có thể nói, nếu thiếu đi những chỉ dẫn, miêu tả, lời kể của chị ấy trong chuyến đi, mình đến trại cũng chỉ có thể nhìn mà không thể thấy. Bởi vì, chỉ có người đã sống với trang trại, đặt hết tâm tư, tình cảm của mình vào nó trong 1 khoảng thời gian thật dài, thật dài mới có thể hiểu rõ ý nghĩa của từng cành cây, ngọn cỏ trong khu trại mà thôi. Những gì mình sắp kể ra đã trở thành đúc kết, thành kinh nghiệm mà chị vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhưng con đường đi tới những đúc kết ấy, nhất định là đã nhận rất nhiều chông gai, mưa nắng, có rất nhiều thất bại, đòi hỏi nhiều quan sát và cả suy tư.

Trang trại rau hữu cơ Tuệ Viên là 1 địa chỉ rất chú trọng bảo vệ tính đa dạng sinh học của cây trồng. Trại nằm giữa những vườn ổi được canh tác theo kiểu thông thường hiện nay, so với việc nằm giữa những khu ruộng hay vườn rau bình thường, nhiều nguy cơ đã được giảm bớt, chẳng hạn, nguy cơ thu hút hay lây nhiễm các chủng sâu bệnh từ cùng giống cây trồng mọc ở các mảnh đất xung quanh, nhất là nguy cơ trở thành cảng tránh nạn cho đám sâu hại khi vùng thức ăn của chúng bị chủ các vườn khác phun thuốc tiêu diệt, xua đuổi, trong khi bản thân trại bảo trì thái độ không dùng hoá chất dù dưới dạng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.

Về mặt địa thế, một mặt của trại tiếp giáp với đường cái trong ngõ, vốn được đôn lên cao hơn so với đất ở các khu vườn xung quanh để tránh ngập nước mùa mưa, cũng nhờ đó tránh cho trại bị nước mưa có thể hoà tan hoá chất từ các vườn cây đối diện chảy sang. Một mặt khác của trại được cách ly với khu vườn nhà hàng xóm bằng cách trồng 1 hàng ổi và đào 1 rãnh dẫn nước, rãnh nước cũng dùng để thoát nước mưa tràn từ nhà hàng xóm sang, còn hàng ổi để làm bình phong tự nhiên, ngăn các hoá chất phát tán theo gió, trái của những cây ổi này không đủ sạch để dán nhãn sản phẩm hữu cơ, nhưng vẫn sạch hoá chất hơn loại ổi bán ngoài chợ. Một mặt nữa của trại là khu nhà xưởng. Mặt cuối cùng có 1 ao nước lớn.

Trại Tuệ Viên trồng rất nhiều hoa dâm bụt, theo chị Liên chia sẻ, cây dâm bụt có rất nhiều công dụng. Đầu tiên là thu hút bọ nhảy và rệp cây. Nếu làm 1 phép tuyển giữa cây dâm bụt và cây đu đủ, rệp cây thích dâm bụt hơn, cho nên trong 1 điều kiện đã khống chế lượng rệp cây không phát triển lan tràn, trồng thêm dâm bụt có thể bảo vệ đu đủ khỏi rệp. Còn nhân tố giúp khống chế lượng rệp cây chính là kiến đen. Ngoài ra, hoa dâm bụt còn có thể dùng để tạo màu sắc đẹp cho thực phẩm và nước rửa bát nguồn gốc hữu cơ. Thân cành rễ của nó đều có dược tính. Có 1 công dụng đặc biệt khác của dâm bụt héo có liên quan đến lũ ốc sên. Chị Liên kể, mỗi khi trời mưa ngập các khu vườn bên cạnh, ốc sên lại hành quân từng đàn qua vườn nhà chị tỵ nạn, sau đó có nguy cơ không chịu dọn đi. Lúc đó trại phải đào những cái hố thả đầy dâm bụt đã héo xuống để bẫy ốc sên, vì ốc sên không ăn dâm bụt tươi trên cây, nhưng lại thích dâm bụt đã héo. Số ốc sên bẫy được này được đem đi ủ phân để bón cho cây trong trại.

Loại phân xanh có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong trại là phân xanh ủ từ cỏ lạc. Cỏ lạc rất dễ trồng, bản thân nó cũng cố định đạm cho đất và tăng màu cho mảnh đất nó mọc lên. Chị Hằng bên Xanh Shop chia sẻ là có 1 anh chủ trại khác là anh Thắng ở Đà Lạt đã thử gây cỏ lạc để lấy phân xanh và tăng màu cho đất trồng, nhưng sau đó cỏ lạc nhà anh lại thu hút đến rất nhiều sâu và chúng nó phá tan hoang vườn cà chua nhà anh luôn. Tuy nhiên, tính độc canh trong trại nhà anh Thắng rất cao, trại nhà anh tạo 1 ấn tượng rất công nghiệp hoá với những vạt đất bạt ngàn chỉ duy nhất 1 loại cây, còn trại của chị Liên là 1 tổng thể đa dạng,với cỏ lạc mọc sát mặt đất, phủ kín quanh những gốc dâm bụt, thi thoảng lại có vài ngọn rau sam, dền cơm, và nhiều loại hoa cỏ tôi cũng không biết tên đan xen, ngay cạnh dâm bụt là đu đủ, hay những chân cột của dàn dây leo gồm mướp, bầu, hoa giun, ti gôn, hoa hoàng anh, hình như tôi đã thấy dây nho, và còn nhiều loại cây nữa nhưng ngại quá, tôi không kịp nhớ hết tên. Ngoài cỏ lạc, chị Liên còn dùng phân giun. Phân bò để nuôi giun là loại bò chăn thả không ăn thức ăn công nghiệp, chị phải nhập về. Trong dạng phân bò này có rất nhiều hạt giống đa dạng, chúng theo phân rải xuống và lại mọc lên trong trại, làm tăng cường tính đa dạng sinh học cho trại của chị. Chính việc độc canh 1 loại cây khiến cho những loại cây khắc chế thiên địch của cây độc canh đó không có đất dụng võ và có thể tạo ra sự bùng nổ dân số của nhiều loại sâu bệnh. Tôi và chị Hằng nhìn tới nhìn lui nhưng cũng chịu thua, chẳng biết thứ đã khắc chế loại sâu tấn công cỏ lạc và cà chua nhà anh Thắng rốt cục là loại nào trong số rất nhiều loại cây khác nhau đan chen đa dạng trong trại của chị Liên.

Những vòm dây leo cũng rất có ý nghĩa, vừa cung cấp rau quả, vừa tạo bóng mát và không gian sinh hoạt dễ chịu bên dưới, lại góp phần làm đẹp cảnh quan. Chị Liên kể lại, do các dàn dây leo được thiết kế liên hoàn nên trong trận mưa bão lớn vừa rồi, khi 1 khu sinh hoạt bằng tre nứa lợp lá của nhà chị bị tốc mái và sập vào dàn dây leo, nó kéo đổ toàn bộ dàn dây leo như 1 hiệu ứng domino, phải mất 3 tháng mới tạm gọi là khắc phục xong đống đổ nát này. Việc sử dụng tre nứa trong xây dựng tuy thân thiện với môi trường nhưng cũng tăng tính bất ổn và thiếu bền vững của công trình lên rất nhiều. Những bạn nào đang mơ về dàn hoa bằng cọc tre và những mái nhà lợp lá dừa, lá cọ trong 1 khu vườn thuộc về mình cần cân nhắc nhiều hơn.

Trại của chị Liên không có chăn nuôi giết mổ nên không có mùi phân chuồng, không khí tươi mát trong lành. Nhưng khi đi trong vườn, thi thoảng tôi ngửi thấy những mùi hương kì quặc bốc lên, từa tựa như mùi mắm. Đến tận lúc vào thăm quan nhà xưởng và xem các thùng, cái thì ủ cá, cái thì ủ cà chua xanh, ủ ớt, ủ cây xuyến chi với các men vi sinh khác nhau. Tôi mới biết đó là mùi của các loại thuốc bảo vệ thực vật của nhà trồng được, có tác dụng xua đuổi côn trùng, sâu bệnh. Ngoài chiêu này và và chiêu xen canh, (bên cạnh dâm bụt, chị Liên còn dùng cả cây hướng dương để hút rệp, bảo vệ đu đủ trong trại). Chị Liên còn chia sẻ 1 chiêu nữa là luân canh. Sau khi trồng hành, rất nhiều loại mầm bệnh có hại cho cà chua trong đất đã bị xua đi hay bị diệt, lúc đó ta lại trồng cà chua.

Ngoài việc sử dụng trong chế biến thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học còn có thể dùng để làm tăng hay giảm độ chua của đất, chị Liên đã áp dụng chiêu này để xử lý bùn ao vét lên. Bùn ao rất giàu dinh dưỡng, nhưng độ pH thấp, tóm lại là 1 dạng đất chua, trồng cây gì chết cây ấy, kinh nghiệm của bà con nông dân là vét lên xong phải để đó cả năm mới lấy đi bón ruộng bón vườn. Sau khi xử lý bùn ao bằng chế phẩm sinh học độ 2 tháng, chị Liên đã có thể dùng nó trồng cây, cây lên xanh tốt, bà con hàng xóm rớt cằm, gọi chị là phù thuỷ.

Những mảnh đất chưa canh tác trong trại Tuệ Viên không bỏ trống mà mọc bạt ngàn cây xuyến chi. Theo chia sẻ của chị Liên, cây xuyến chi bản thân có dược tính, nếu ta thêm vào thức ăn cho vật nuôi độ 5% cây xuyến chi, chúng sẽ phòng tránh được bệnh đường ruột. Ngọn non của cây này người cũng có thể ăn như rau. Loại cây này có khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên nên bản thân nó chẳng bao giờ bị sâu phá, đó là lý do nó vinh dự được vào thùng trong công trình nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật cây nhà lá vườn của trại Tuệ Viên.

Phần cá nhân tôi tâm đắc nhất trong các chia sẻ của chị Liên là triết lý tận dụng. Rác thải biến thành rác thải là vì chúng ta không chịu nghĩ cách sử dụng chúng vào mục đích có ích. Khi trở nên hữu ích, vậy rác thải không còn là rác mà chính là 1 dạng tài nguyên. Những con đường trong trại Tuệ Viên thường được lót bằng những tấm bê tông cắt vuông. Đó vốn là bê tông thừa ở các công trình xây dựng lớn mà người ta phải lén lút đem đi đổ bỏ như 1 thứ rác khó phân huỷ. Chị Liên mua rẻ lại chúng và tận dụng chúng để phục vụ việc kiến thiết trang trại nhà mình.

Trại Tuệ Viên đang xây 1 căn nhà bằng cách sử dụng những vỏ chai nhựa đổ đầy cát thay cho gạch như 1 biểu tượng của việc đánh thức ý thức tận dụng và tái chế rác khó phân huỷ, truyền đạt 1 thông điệp về môi trường cho các bạn trẻ và các em nhỏ đến thăm quan trại.

Và còn nhiều kế hoạch hơn nữa, chẳng hạn như việc góp sức trong công cuộc xây dựng ngân hàng hạt giống để bảo tồn những giống cây bản địa trước những nguy cơ từ hạt giống GMO. Kế hoạch hỗ trợ đào tạo "nông dân" có tri thức để gửi đến những mảnh đất sẵn sàng cho nông nghiệp hữu cơ khác, giúp củng cố và phát triển chương trình người tìm đất, đất tìm người đang manh nha nảy mầm. Kế hoạch đánh thức ý thức cộng đồng thông qua truyền thông và thực tế... Sau chuyến thăm quan, mọi người đã bàn bạc, trao đổi thật sôi nổi, và chắc chắn sẽ còn liên lạc với nhau, và sẽ gặp lại nhau trong 1 ngày không xa.

Vâng, trên đây là câu chuyện kể về lần gặp mặt chính thức đầu tiên của các Cọng Rơm, những người được truyền cảm hứng và biết đến nhau, bắt đầu từ sự nặng lòng với thực phẩm sạch, môi trường sống, tình yêu thiên nhiên và ý thức cộng đồng.

Được ghi lại theo hồi ức của 1 kẻ lúc đầu giờ đã tự giới thiệu về mình như 1 người có lòng hô hào cổ động mọi người sống xanh, ăn sạch nhưng mà cái gì cũng không dự định bán.

 

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Trí phán đoán số 3

3. Trí phán đoán số 3: Bước nâng cao tiếp theo của trí phán đoán chính là phán đoán theo cảm tình. Vấn đề tạo nên đặc trưng của loại phán đoán này là lúc nào nó cũng đi cùng với 1 quả tim nóng. Hay nói đơn giản hơn, nó đi cùng với cảm giác an tâm, ấm áp trong lòng. Để cho cảm giác ấy dẫn dắt lời nói, việc làm của mình. Bạn có nỡ nặng lời với ai đó dù đang rất giận không? Bạn có thể mặc kệ ai đó mà không quan tâm dù bạn đang mệt chết và chỉ muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi không? Bạn có dễ dàng hạ chỉ số thiện cảm với ai đó về âm ngay khi nghe ai đó khác nói lời không hay về người bạn yêu quý không? Bạn có nghĩ rằng việc gắp riêng thức ăn thành 1 phần cơm tinh tươm đẹp mắt cho ai đó chưa về rồi mới ăn tốt hơn là nhào vào mâm ăn thoả thích rồi để lại cơm thừa canh cặn cho họ không? Những chọn lựa này đều cho biết bạn đang dùng phán đoán số 2 hay số 3 trong việc định hướng cho hành vi ứng xử của mình. Tình cảm sẽ giúp làm tăng phẩm chất nhẫn nại và gợi lòng trắc ẩn, nếu tình cảm của bạn không đủ mạnh, vậy thì bạn khó mà kìm chế được những ham muốn tức thì của mình cho dù về mặt ý thức, bạn biết rằng chỉ cần chịu khó nhẫn nại hơn 1 chút thôi, thì sẽ tốt hơn cho cả bạn và người mà bạn quan tâm. Và giây phút phán đoán số 3 tham gia vào quyết định của bạn, trong đầu bạn có 1 câu hỏi cần trả lời trước khi đưa ra lựa chọn, đó là bạn có nỡ làm như thế hay không. Bạn có thấy đau lòng khi nghĩ đến hay áy náy khi nhìn thấy tình cảnh người khác phải chịu đựng hậu quả việc bạn làm không? Nếu câu hỏi này chưa từng vang lên trong đầu 1 người, cái đầu họ có thể nóng có thể lạnh, nhưng trái tim của họ thì lúc nào cũng lạnh cả.

Ở giai đoạn 1 của trí phán đoán, con người hành động theo quán tính, ở giai đoạn 2, chọn lựa được đưa ra theo thôi thúc của dục vọng, sang đến giai đoạn 3, con người bắt đầu bận tâm đến lý lẽ của trái tim, có thể là 1 cách tự nhiên, có thể là bị bắt buộc, có thể họ vốn rất quen thuộc với nó, có thể họ đang ở giai đoạn học cách sử dụng nó, và nếu 1 người quá nặng phán đoán theo cảm tình, họ có khuynh hướng đồng hoá bản thân với cảm xúc của mình, và để các cung bậc cảm xúc yêu ghét giận hờn của mình dẫn dắt, thúc đẩy phía sau mọi hành vi, động thái. Khi lên tới cao điểm, chiếc kim chỉ nam loại này sẽ dẫn dắt và tạo thành khuynh hướng thiên vị mù quáng, luôn bao che, bênh vực những người mình yêu mến bất chấp phải trái đúng sai.

Có 1 chút bối rối nhỏ ở đây cho nhiều bạn, đó là cái khuynh hướng chạy theo cảm tính và chạy theo cảm tình này, cụ thể nó khác nhau như thế nào? Hiểu qua 1 ví dụ đơn giản nhất, khi gặp 1 đứa đáng ghét vô cùng chọc ta tức điên, thì tức điên ở đây là cái gì? Tất nhiên là 1 loại cảm xúc, là cảm tình tiêu cực. Vậy sau khi tức điên rồi, ta làm gì? Nếu ta cứ thế phăm phăm xông lên, cho nó 1 cái tát lệch mặt, đáng đời nhà nó, hả giận, quá sảng khoái, vậy tức là ta phản ứng lại bằng phán đoán số 2, tức là trên tinh thần làm sao cho sướng. Nhưng giả sử, cái đứa đáng ghét, đã nói mấy câu đáng hận hay gây ra mấy hành động đáng chém ấy nó lại ... to như con tịnh, hoặc ... là con của cô chủ nhiệm, hoặc... là gấu yêu của sếp lớn gì đó. Tóm lại, hả giận và đi tìm chết hoặc đi tìm ngược tự dưng biến thành từ đồng nghĩa. Vậy thì đại ý là phán đoán số 4 bảo ta rằng, lùi 1 bước thấy đất rộng trời cao, tiến 1 bước là vực sâu vạn trượng đó cu. Con người thì không nỡ tự mình tìm ngược cho bản thân, cho nên, chỉ cần có trí phán đoán số 2 thôi, cũng đủ để thôi thúc ta chọn hãy ôm hận mà sống tiếp rồi. Chú ý, phán đoán giống như 1 cơ chế phân quyền sử dụng nguồn lực của cơ thể cho nhóm động thái hành vi nào đó, nhưng bản thân nó không hẳn là chức năng tư duy của bộ não. Cho nên nó có thể phân quyền nguồn lực của cơ thể cho dục vọng, cho quán tính, cho tình cảm, cho lý trí... Và chính việc xem xét xem khía cạnh phân quyền này có sáng suốt hay không mới thể hiện rõ năng lực phán đoán của 1 người. Cho nên chúng ta thi thoảng vẫn gặp người có hành vi mà ta gọi là cầm thú, dù họ có thể là ông nọ bà kia, học thức đầy mình. Và chúng ta thường cũng không thấy ngạc nhiên khi ai đó trình bày với ta 1 câu đại ý "tao biết làm như thế là không sáng suốt tý nào, nhưng tao đéo nhịn được" chẳng hạn.

Tất nhiên, cũng trong ví dụ trên, nếu đối tượng chọc ta tức điên lại chèn ép, bắt nạt người mà ta yêu thương nhất chẳng hạn, người mạnh phán đoán số 3 có thể biết là không tốt nhưng vẫn quyết chí xông lên như 1 con gà mái xù lông xoè cánh để bảo vệ đàn con nhỏ của mình, tất nhiên vẫn trên mẫu câu ấy, ở đây là không nỡ bỏ mặc.

Khoa học chứng minh rằng, khi con người chìm trong cảm giác sân hận, có những độc tố được sinh ra và đổ vào các mạch máu của họ, của họ chứ không phải của người mà họ chán ghét. Khiến họ thấy bức bối, thậm chí khó thở, rối loạn nhịp tim, mất đi tỉnh táo. Thậm chí, gặp rắc rối to nếu họ có sẵn tiền sử bệnh cao huyết áp hay xơ vữa mạch máu. Cảm xúc tiêu cực như oán hận, như thế, về mặt lý trí, thực ra là có hại cho người ôm mãi nó trong lòng, và 1 cách khách quan nhất, chúng ta thực ra nên có quyền không nổi giận vì 1 kẻ đáng ghét, chứ không phải là quyền được nổi giận, cho dù kẻ kia có đáng giận đến đâu. Vì xét cho đến cùng, hình như nạn nhân của cơn giận ấy là ta. Nhưng trải nghiệm tách mình ra khỏi dòng cảm xúc và nhìn lại nó bằng lý trí lại là bước nâng cao tiếp theo của trí phán đoán mất rồi. Chúng ta chưa xét đoán đến nó ở đây.

Lại 1 ví dụ khác, sau khi phải nén giận với con bồ của sếp lớn ở công ty, bạn mang theo 1 bầu trời hậm hực trong bụng quay về nhà. Bé cưng của bạn hoàn toàn không biết thời biết thế hồn nhiên xông ra ôm chân bạn reo to: "A, bố về!" Theo bạn, trong cảnh này, có bao nhiêu ông bố sẽ thấy có 1 cảm giác dịu dàng, ngọt ngào dâng lên trong lòng, quay ra hỏi chuyện rồi chơi với con và vứt câu chuyện bực mình ở công ty ra sau đầu? Lại có bao nhiêu ông bố vì không dám làm gì "ai đó" ở công ty nên tự dưng muốn được đại triển thần uy tại nhà riêng, giận chó đánh mèo đứa con?

Cái mớ hỗn độn, lẫn lộn giữa phán đoán số 2 và số 3 hay gặp nhất thường là trong phim Quỳnh Dao. Tóm lại, mớ bòng bong này chính là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi thể loại ngược văn. Hồi còn nhỏ tôi từng xem Dòng Sông Ly Biệt, khi ông bố cựu tướng quân giải thích rằng ông lấy về nguyên 1 rổ vợ mà chẳng thật lòng với bà nào nên nhân đó, cũng thật vô trách nhiệm với họ là vì ngày xưa ông đã từng yêu và không lấy được người mình yêu nên ông không thể ngăn cản bản thân mình đi theo đuổi những người phụ nữ có nét tương đồng với người yêu cũ, nhưng dù sao họ cũng vẫn không phải người mà ông yêu, cho nên thế ý, thế nọ... vậy là đám con cái liền thông cảm và tha thứ cho ông, vì chúng cũng đã trưởng thành, có trải nghiệm yêu đương và đau khổ vì yêu. Vì chúng hiểu yêu hay không yêu ai là 1 chuyện thân bất do kỉ vô cùng bất đắc dĩ. Tóm lại, lý lẽ của trái tim chỉ có thể được hiểu bằng trái tim. Nhưng nghĩ cho kỹ thì, chỉ vì 1 người thực bất đắc dĩ gieo hoạ cho tim ông (cũng không phải tình tiết cố tình quyến rũ cho bằng được rồi đá đi gì gì đó mà), ông liền cố tình đi gieo hoạ lại cho toàn bộ cuộc đời của 9 người khác (dùng quyền lực tiến hành ép cưới nha), sau đó, gần như chỉ xin lỗi mồm, các loại quả đắng khác là tác giả nhét vào tận mồm bắt ông ăn chứ ông không hề có tinh thần tự giác ăn. Tổng kết, tôi cảm thấy đây không phải hành động có thể có ở 1 người có tố chất tâm lý khoẻ mạnh bình thường. Sau đó, rất không có thiện ý mà tự hỏi, có phải mấy người cuồng cái thể loại phim lẫn lộn 2 mức phán đoán này muốn xem những thứ nguỵ biện của trái tim ấy là để tìm sự đồng tình cho những sai lầm ngày nào cũng có khi trót xập xí xập ngầu giữa 2 loại phán đoán này của của mình không.

Nghe đồn những người có tiền sử chịu ngược đãi khi lớn lên thường đảo vai và trở thành kẻ đi ngược đãi. Tóm lại, họ có thể cố lấy lại thăng bằng tâm lý bằng cách coi ỷ mạnh hiếp yếu là chuyện đương nhiên, sau đó tập sống với nó thành quen, và nếu tình trạng bị bắt nạt lại để trí phán đoán số 1 dẫn dắt, chúng ta liền có câu "ở lâu với khổ, Mị quen khổ rồi". Còn cá nhân sẽ trực tiếp hay gián tiếp chống đối và tìm cách báo thù hoặc tìm nơi trút giận nếu thứ dẫn họ đi là phán đoán số 2. Nhưng! Nếu 1 người trong lúc nóng giận muốn vung tay đánh 1 đứa trẻ chẳng hạn, và vào giây phút ấy, họ bỗng nhiên nhận ra trong đôi mắt thơ ngây ấy sự hoảng loạn và nước mắt, và nó vốn là người mà họ nên yêu thương, bảo vệ, che chở mới đúng, thì chính thứ cảm tình đó sẽ ghìm cánh tay đang vung cao của họ lại, và làm họ chợt nhận ra, họ đang làm điều sai trái, họ cần phải thay đổi, điều này có thể gây ra dày vò cắn rứt 1 thời gian, cho tới khi họ trở thành 1 con người mới, kiểm soát bản thân tốt hơn, vì những lý do tích cực hơn. Những người có xuất phát điểm cao hơn, chẳng hạn, vốn sẵn 1 trái tim bao la đầy tình thương hẳn là sẽ không trút giận lung tung. Nhưng đôi khi, ngay cả bà mẹ tâm lý nhất cũng có lúc muốn đập đầu vào tường khi gặp dáng vẻ nước đổ đầu vịt của con mình chẳng hạn. Nhưng các bậc phụ huynh tâm lý đều đồng ý 1 điểm, giận dữ chẳng có ích lợi gì trong công tác giáo dục con cái cả, nó chỉ làm người gánh vác công tác giáo dục ấy mất khôn. Nhưng tất nhiên, 1 số biện pháp trừng phạt được cân nhắc cẩn thận lại vô cùng cần thiết, nhất là khi ta gặp phải 1 em nhỏ quá sức cá tính và tự đánh giá bản thân quá cao chẳng hạn.

Gây ra trải nghiệm đau khổ, khó chịu cho người khác, dù là về thể xác hay tinh thần, vui sướng khi người gặp hoạ, nói dối bôi đen người khác chỉ vì cái mặt họ nhìn thấy ghét, ganh tỵ, nguyền rủa ai đó vì người ta thành công hơn mình hay có thứ mà mình há miệng chờ sung mãi chưa thấy rụng tới... sau đó lại kiên định lòng tin rằng mình sẽ được bao dung, tha thứ hết, sẽ trăm sự như ý, vạn sự như mơ, tóm lại, không hề sợ hậu quả, hay không dám nghĩ đến hậu quả, hay không biết rằng sẽ có hậu quả, đều là những trò thần kinh của kiểu người đã đủ tố chất thần kinh để cảm nhận các cung bậc cảm xúc của loài người, và biết về sự tồn tại của lòng bao dung, nhưng mà, là lòng bao dung của người khác, còn họ thì không đủ tố chất tâm lý để ứng xử với mớ cảm xúc đa đoan phức tạp đó và tất nhiên là chẳng bao dung được cho ai. Tóm lại, họ để dục vọng riêng đưa ra quyết định trong những vấn đề tình cảm. Tôi thường nói đùa rằng kiểu người nặng phán đoán số 2 này không thể ẩn núp thành công tại miền Bắc, vì cái thứ khí hậu gió mùa kinh khủng của chúng ta gây ra tình trạng khó ở trong người gần như mãn tính. Nhược điểm là nhiều bạn trẻ kêu ca với tôi rằng cảm thấy người miền Nam đáng yêu hơn, dễ mến hơn. Nhưng ưu điểm của loại khí hậu này chính là, sống trong nó chỉ cần bạn có độ tỉnh vừa phải thôi, bạn tuyệt đối sẽ không sợ lấy nhầm người có tố chất thần kinh không bình thường.

Có thể nói, chính việc cấp quyền lực chi phối chính mình cho trái tim là thứ đã làm cho nhân cách con người thăng hoa khỏi tầng bản năng. Khi ta biết cảm thông với một người, quan tâm tới 1 người, muốn săn sóc cho 1 người, vậy thì để đổi lại, có rất nhiều việc đòi hỏi ta phải biết kìm nén chính mình, không thể nào tuỳ tâm sở dục được nữa. Cho nên là, nếu chẳng hạn, bạn tình của bạn không hề quan tâm đến cảm giác của bạn mà chỉ quan tâm đến sự thoả mãn của chính y, sau đó dám thề thốt là yêu bạn chẳng hạn, vậy thì lời yêu ấy cũng không thơm hơn 1 cái rắm. Bản thân việc suy nghĩ bằng nửa thân dưới không xấu, nhưng xúc phạm cả trái tim lẫn bộ não của mình bằng cách biến 2 chỗ đó thành ngăn chứa tinh trùng dự bị thì tuyệt đối không phải dấu hiệu tốt. Tóm lại, chúng ta phải cẩn thận với kiểu người mà quyết định của nửa thân dưới, tính từ vùng bụng ngang dạ dày đổ xuống có sức nặng lớn hơn quyết định của trái tim và cái đầu.

Ở tầng bản năng, nền tảng cơ bản của dạng phán đoán theo cảm tình này là, ai là người chăm sóc ta, che chở ta, hay cưng nựng âu yếm quan tâm đến tâm tư tình cảm của ta thì nói gì bảo gì ta cũng dễ tin theo, làm theo, vì ta tin người đó chỉ muốn điều tốt cho ta. Đảo ngược lại, chẳng có ai vì con mình hư mà vứt nó đi chạy qua bế trộm con nhà hàng xóm về nuôi cả. Con đường duy nhất để đi chính là giáo dục lại nó, cảm hoá nó, thay đổi nó. Mức phán đoán này thực ra bắt đầu được xây dựng từ việc tham khảo phán đoán của người khác của 1 tâm trí non nớt chưa trưởng thành, cụ thể ở đây là tham khảo phán đoán của những người được tin rằng "sẽ không làm hại ta". Những gì người đó cho là tốt, ta cũng muốn thử xem có tốt không, những gì người đó cho là xấu, ta cũng có khuynh hướng bài xích, ghét bỏ. Vậy nên người làm cha mẹ ngày xưa mới được dạy bảo, nhắc nhở về cái gọi là thân giáo, tức là phải tự ý thức được mọi hành động của mình đều bị hay được con cái mình lấy ra làm tiêu chuẩn đối nhân xử thế. Vì đứa trẻ nào cũng dành 1 tình yêu trong sáng, tự phát cho cha mẹ của mình, cho tới khi sự nuông chiều và dung túng vô nguyên tắc của người lớn làm chúng lạc lối.

Nhiều lúc phán đoán theo cảm tình không hề mang lại sự dễ chịu, thích thú. Làm 1 người lớn, chúng ta ít ra cũng đã biết, điều ta muốn trong nhiều trường hợp chưa chắc đã là điều ta cần, nếu không muốn nói, nhiều lúc còn có hại. Làm cha mẹ, trách nhiệm là phải nhận định được rõ ràng điều con mình cần và điều con mình muốn, sau đó, giúp nó chọn lựa cho đúng nếu cần thiết. Tất nhiên, để làm tốt điều này đòi hỏi ở họ ít ra là trí phán đoán số 4 hay số 5. Các bé ngoan đều nhớ bố mẹ dặn không được nhận đồ của người lạ, vậy nên khi có cô hay chú nào là lạ đến nhà và cho quà, dù có thích món quà đến mấy cũng vẫn phải liếc bố hay mẹ 1 cái, cho đến khi nghe được thánh chỉ, con nói xin cô hay xin chú đi, lúc đó mới dám cầm, mà đã cầm là cười tít mắt. Tôi không nói là các cháu bé thấy ai đưa đồ mình thích là vồ luôn, bố mẹ bắt trả lại thì chạy mất tích đều sẽ vì 1 cây kẹo mút mà bị bán béng sang Trung Quốc, cái đó còn cần tổ hợp của nhiều điều kiện hoàn cảnh khách quan khác, nhưng việc tiếp nhận những thứ mình cần hay muốn từ địa chỉ được xác định là an toàn là bước nâng cao đầu tiên của trí phán đoán, sau 2 giai đoạn không cần biết đến hậu quả kia. Dù sao thì các cụ xưa đúc kết ra câu "chim chết vì ná, cá chết vì mồi" không phải là nói chơi. Tất nhiên, đấy là mức phán đoán số 4 của bạn. Còn với 1 đứa trẻ, nếu nó rụt rè chờ thánh chỉ của bạn mà không dám trực tiếp nhận ngay món đồ chơi dù thích chết đi được, có khả năng rất cao chỉ là vì nó muốn bạn cảm thấy nó thực ngoan thôi. Cho nên nếu bạn không chú ý uốn nắn nâng cấp để trí phán đoán của con bạn nó nhích được lên khỏi số 2 thì sau này bạn ráng mà chịu, bất hiếu bất nghĩa gì đó đều được sinh ra trong đoạn này cả. Tất nhiên, nếu bé ngoan có phán đoán theo cảm tình của chúng ta lại có 1 ông bố hay bà mẹ có trí phán đoán số 2 thì....

Dùng trí phán đoán số 2 của em, ít nhất em còn có được điều em muốn. Dùng trí phán đoán số 2 của mẹ hay bố em, vậy thì em có được thứ mình cần hay không nó đã hên xui, mà khéo cũng bay luôn cả thứ mình muốn là khác. Nếu có 1 ngày em nhỏ nhận ra điều đó, bạn nghĩ thử xem em ấy sẽ thế nào?

Cảm tình với 1 người không thể xây dựng chỉ trên cơ sở 2 cảm giác dễ chịu và khó chịu. Người luôn ngọt ngào, tử tế với ta chưa chắc đã là người tốt, có thể họ chính là người đang xem ta như 1 con heo chờ nuôi đủ béo liền giết thịt. Người thực sự quan tâm ta không phải lúc nào cũng đối với ta ngọt nhạt, chiều chuộng, vì sợ ta lầm đường lạc lối, có nhiều lúc họ sẵn sàng đóng vai ông ác. Người chỉ biết tới việc thoả mãn cảm giác của bản thân mình mà không nhận ra chỗ tốt của người khác, thiện ý của người khác, tóm lại không có lòng biết ơn hay lòng trắc ẩn thì khó mà xây dựng được 1 nhân sinh quan đúng đắn, khó mà có được một trí phán đoán theo cảm tình lành mạnh. Thế nên khi dấn thân vào các hoàn cảnh cần phán đoán theo cảm tình, họ cảm thấy bị ngược tơi bời.

Tuy nhiên, khi phán đoán theo cảm tình là quá mạnh, những dạng ứng xử cực đoan khác lại xuất hiện. Con chó được đánh giá là khôn nếu nó chỉ ăn những gì chủ nó cho. Cô gái được đánh giá là si tình khi quyết tâm không sang ngang cho dù người yêu cũ đã chết. Một người đi xa nhà, có thể nhớ ai đó đến độ như đứng đống lửa như ngồi đống than. Tóm lại, cảm tình quá sâu giữa cá nhân với con người hay sự vật mà họ quen thuộc cuối cùng vẫn có thể tạo ra sự cố chấp và khuynh hướng bài xích tất cả những gì xa lạ. Khi đi ra khỏi tác dụng ban đầu của cách đánh giá vấn đề theo cảm tình này, đó là nhu cầu về an ninh và gắn kết, những thứ cảm tình mù quáng không được xem xét và lý giải thích đáng nhiều trường hợp được coi là 1 nét tính cách hay xuất hiện ở những người quá giàu tình cảm, và khi hoàn cảnh đòi hỏi ở cá nhân 1 tầm nhìn sâu xa hơn, chín chắn hơn, họ dễ cảm thấy bế tắc. Đó là lý do chúng ta vẫn cần đến những dạng trí phán đoán cao hơn nữa để có thể ứng xử tốt trong những tình cảnh phức tạp hơn.

 
Bài viết này thuộc loạt bài 7 giai đoạn của trí phán đoán.

Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Trí phán đoán số 2

2. Trí phán đoán số 2: Bước qua giai đoạn đáp ứng phản xạ có điều kiện và hành động theo thói quen, chúng ta đến với giai đoạn có độ khó cao hơn của trí phán đoán, gọi là phán đoán theo cảm giác. Bây giờ vấn đề không còn cần chúng ta phải đưa ra cách xử lý ngay lập tức nữa, chiếc kim chỉ nam cho đúng và sai ở đây chính là cảm giác dễ chịu hay khó chịu có được tuỳ theo chọn lựa. Tóm lại, bây giờ thì quán tính là không đủ để đưa ra quyết định. Có lúc đáp án lại thuộc về câu trả lời cho câu hỏi làm sao cho sướng?

Có lúc, con người cố thủ với trạng thái của phán đoán số 1 và rất khó chuyển tiếp sang số 2, ta gọi là tình trạng khổ quen rồi sướng không chịu được, hiểu nôm na là khi chuyển qua 1 tình cảnh tốt hơn cũ người ta cảm thấy không được tự nhiên, cho nên chỉ nhăm nhăm muốn quay về với cái máng lợn cũ, Ngược lại, cũng có lúc, việc sử dụng phán đoán số 2 diễn ra rất tự nhiên, nhẹ nhàng. Tôi từng xem 1 Clip 3D dài 7 phút có tên là "Sợi Len Cuối Cùng" về 1 người đàn bà ngồi đan bên miệng vực, nó diễn tả sự khó khăn khi từ bỏ 1 thói quen cũ khi nó dần dần trở thành gánh nặng, nhưng vì người ta chỉ làm việc theo quán tính mà chẳng động não tư duy gì hết, hay cũng có động não tư duy, nhưng là đi theo 1 lối mòn nào đó thay vì cân nhắc nhân quả, được mất tổng thể. Người đàn bà trong Clip rốt cục đã từ bỏ được 1 thói quen cũ vì cuối cùng bà ta cũng nhận ra điều đó làm bà ta thấy dễ chịu, nhẹ nhõm hơn, sau khi đã hết chịu nổi chính thói quen cũ của mình. Và thực ra, khó mà coi đó là 1 sự tiến bộ bởi bà ta đã bắt đầu 1 thói quen mới khó hiểu khác.

Con người nặng phán đoán số 1 bị Nghiệp dẫn đi, còn con người nặng phán đoán số 2 thường để dục vọng của mình dẫn đi. Họ nói cho sướng miệng mà chẳng quan tâm người nghe cảm thấy gì. Họ ăn cho sướng mồm không cần biết thức ăn đi vào người họ sẽ biến hoá ra sao, đem lại tác dụng hay hiệu quả thế nào, thậm chí nếu có người muốn cho họ biết thì họ còn nhảy dựng lên, bĩu môi bĩu mỏ hoặc cho vào tai này ra tai kia. Họ dùng trí phán đoán số 4 để đặt đồng hồ báo thức quyết tâm dậy sớm vào sáng hôm sau, sau đó đối xử với cái đồng hồ bằng trí phán đoán số 2 vào lúc nó báo giờ, đại ý có thể là, đứa nào ngăn ông mày ngủ tiếp, giết không tha chẳng hạn. Nói chung, con người ta có thể sử dụng nhiều mức phán đoán khác nhau, vấn đề nằm ở chỗ đứa nào đóng vai trò chủ chốt khi đi vào tình huống thực tế, nhất là khi mức phán đoán khác nhau sẽ cho ra chọn lựa khác nhau.

Nếu phân tích kỹ, chúng ta có thể thấy luôn có 1 sự giao thoa giữa 2 dạng phán đoán bậc thấp này xuất hiện trong lúc con người tìm cách thoả mãn nhu cầu của bản thân mình. Trí phán đoán theo cảm tính này trong các trường hợp bình thường thực ra giúp ích rất nhiều trong việc trừ bỏ những chướng ngại tâm lý sinh ra từ sự cố chấp với những phản xạ máy móc đã tập thành với trí phán đoán số 1. Con đường trước mắt người có phán đoán số 1 mạnh là duy nhất, tuy chả biết nó dẫn đi đâu, nhưng họ vẫn chọn nó vì quen thế rồi. Nhưng trước mắt người có phán đoán số 2 mạnh thường có ngã ba, chọn lựa ở đây không hướng tới mục đích tối hậu nào đó, nó chỉ cần thoả mãn 1 yêu cầu là đường nào dễ đi hơn, thoải mái hơn thì chọn. Tóm lại, sự vượt trội của 2 mức phán đoán này thường tạo ra những kiểu người làm việc mà chẳng nghĩ gì đến hậu quả có thể tạo ra từ hành vi của mình.

Khi cơ thể bạn sạch sẽ và đầu lưỡi của bạn trung thực, luôn ăn những thực phẩm địa phương đúng mùa, tóm lại là sống thuận tự nhiên, những ý niệm chạy đến nhanh hơn cả suy nghĩ này là cả 1 pho từ điển sống để tra cứu nhanh vô cùng hữu ích. Khi bạn đã bỏ mì chính từ lâu, đột nhiên được mời ăn 1 thứ có quá nhiều mì chính, bạn cảm thấy hệ thần kinh của mình lãnh đủ tại trận, sau đó chỉ cần ai mời bạn món nào tương tự, bạn sẵn sàng nhè ra khỏi mồm ngay lập tức. Khi bạn cắn thử 1 miếng cà tím trong món ăn, nếu nó được sơ chế không đúng cách bạn có thể nhận ra ngay lập tức, vì cà tím là 1 món rất âm cần sơ chế tỷ mỉ để tạo ra hương vị vừa đúng. Khi bạn ốm, cảm giác thèm 1 món ăn ngon và lành nào đó thường có nghĩa là món ăn đó có lợi cho tình trạng sức khoẻ hiện tại của bạn. Khi thể tạng của bạn có khiếm khuyết về 1 hành nào đó trong ngũ hành, bạn thường đặt biệt thích hương vị của những thực phẩm bồi bổ cho phần thiếu hụt kia. Đó là lý do Thực Dưỡng nói với chúng ta rằng trong tự nhiên không có những con thú đau ốm, suy nhược và bị thần kinh, nhưng ở loài người và trong các trang trại nuôi gia súc gia cầm thì có.

Khi bạn đã sống trái tự nhiên quá lâu, sau đó quyết định sửa đổi (tất nhiên hoạt động sửa đổi này cũng cần sự tương hỗ của các mức phán đoán cao hơn), bạn có thể gặp 1 giai đoạn hỗn loạn do các phản xạ có điều kiện và thói quen của bạn vẫn xây dựng trên nền tảng của các thói quen cũ. Hôm nay bạn lỡ nêm hơi nhiều miso lâu năm vào món rau củ kho (dương) nên cảm thấy háo, tự dưng bạn thấy thèm 1 ly đá bào (âm) lạ. Nhưng sách dạy bạn ăn nước đá là không tốt, thế là bạn ngồi xoắn xuýt. Cả tuần nay ăn nhiều các loại rau xanh (âm), bỗng dưng mùi thịt kho (dương) từ nhà hàng xóm toả sang, bạn chảy nước miếng ào ào. Nhưng bác sĩ đã bảo bị bệnh gút như bạn phải hạn chế ăn thịt, hay vì Phật dạy sát sinh là nhân của nhiều nghiệp xấu, thế là bạn ảo não đấu tranh. Những đứa bé sinh ra trong các gia đình Thực Dưỡng được nuôi bằng thực phẩm sạch không hoá chất và phụ gia hay gia vị nhân tạo từ bé chẳng bao giờ xoắn xuýt giống bạn. Có 1 số người gặp trường hợp như bạn đã ăn ra rồi ăn vào trong 1 thời gian dài mới thích ứng được với 1 nhịp sống mới. Có người ăn ra rồi thua luôn không ăn vào nổi nữa. Có người kiên quyết làm chủ giác quan và nhu cầu của mình, đặt ra kỷ luật sắt cho bản thân. Nhưng khi đi khuyên bảo người khác thường vẫn rất thật thà mà bảo rằng, tuy rằng những thứ đó ngon nhưng rất có hại, mọi người không nên ăn. Nhưng nếu bạn đã ăn ra ăn vào nhiều lần rồi mới bỏ hẳn những thói quen cũ đi, bạn thường bảo người ta rằng, rồi sẽ có 1 ngày mày chả thấy những thứ giả dối trái tự nhiên ấy ngon lành vẹo gì đâu, nhưng chẳng ai tin bạn cả. Con người thường nghĩ rằng đầu lưỡi của mình đáng tin nhất và không ngờ rằng thứ đó có thể thay đổi khá là dễ dàng, tuỳ theo việc bạn cho nó ăn gì, 1 cách có ý thức mỗi ngày. Tóm lại, đó chính là đặc tính hướng tới các sự vật sự việc cụ thể nhưng thực ra hoàn toàn xây dựng trên ảo tưởng thường thấy ở giai đoạn số 1, số 2 của trí phán đoán.

Vì vậy, 1 chế độ ăn thuận tự nhiên vẫn là 1 chế độ ăn thật là kham khổ ...trong truyền thuyết.

Và "những ai có thể ăn nó cả đời" thường được "những người tin rằng mình không thể" kính trọng cho 1 ý chí khắc kỷ mạnh mẽ hoặc bị gọi là đồ dở hơi.

Và bạn sẽ không thể hiểu nổi Y học cổ truyền đã ra đời như thế nào nếu bạn không có 1 trí phán đoán số 1 và số 2 lành mạnh, sắc bén.

Nghe đồn người ta để 2 bắp ngô, 1 là ngô thường, 2 là ngô biến đổi gen cạnh gốc cây tức là tạo ra cơ hội cho lũ sóc lựa chọn thì bọn sóc chỉ gặm bắp ngô thường chứ không thèm nhìn ngô biến đối gen. Nhưng nếu đưa 2 bắp ngô này cho 1 người bình thường bảo họ chọn lấy 1 bắp mà ăn thì họ... chọn đại. Nói như vậy để bạn biết rằng ở hoàn cảnh mà trí não bất lực, còn bản thân phải tự đưa ra phán đoán, trí phán đoán số 1, số 2 của con người nó là thứ hàng vét đĩa đến mức nào, thậm chí còn không bằng 1 con sóc hay 1 con chuột. Có lẽ đó là lý do động vật không cần có trí phán đoán bậc cao, nhưng mà con người thì cần.

Tuy loài người còn có mấy cấp độ của trí phán đoán cao hơn mà động vật không có để bù đắp. Nhưng xui là làm người, không phải ai cũng sống với mấy mức phán đoán cao đó, còn vụ ảo tưởng rằng mình đang ở 1 mức phán đoán cao nhưng mọi hành vi đều thể hiện 1 mức phán đoán thấp là chuyện rất dễ tìm thấy ví dụ thực tế. Thực sự thì ở nhiều người, nhất là những người đã sống 1 lối sống trái tự nhiên lâu ngày, tôi cảm thấy coi sức phán đoán của họ là 1 thảm hoạ cũng không ngoa lắm. Không thế thì mấy đồng chí giảng viên vừa thao thao bất tuyệt giảng hút thuốc lá là có hại vừa phì phèo hút thuốc chui ở đâu ra? Mấy nữ đồng chí vừa bắt con gái ngồi làm cái thùng rác cho mình xả rác tâm lý, tức là cái cơn bất mãn lão chồng già, vừa thúc con mình mau lấy chồng chui ở đâu ra? Tất cả là vì, họ đều nghe nói đến và chấp nhận sự tồn tại của 1 mức phán đoán cao hơn, nhưng bản thân họ không làm theo được, họ không hoãn cái sự sung sướng của mình lại để nghĩ cho người khác được. Và ở giai đoạn 3 của trí phán đoán, người ta mới bắt đầu cân nhắc đến tâm trạng, tình cảm của người khác trước khi đưa ra quyết định của mình.

Những người quá nặng trí phán đoán số 2 thực ra chỉ bận tâm tới cảm thụ của mình và có rất ít lòng cảm thông, nhưng lại rất có khả năng tự phong cho mình là 1 người đa sầu đa cảm, có trái tim pha lê dễ bị tổn thương, sau đó nhân danh tình thương, tình yêu mà lên án người khác, thậm chí chà đạp tình cảm của người khác. (Còn sự tổn thương thực tế của họ chính là sự bất mãn khi người khác không chịu làm cho họ dễ chịu, không chịu đáp ứng các yêu cầu của họ mà chẳng nghĩ xem nếu đáp ứng những yêu cầu đó thì người ta sẽ khó xử thế nào.) Một số khác tự phong cho mình là 1 người rất tỉnh và đẹp trai nên mới không thèm cảm thông với mấy màn sụt sịt đáng thương của người khác, thực ra chỉ là họ cảm thấy đi chơi điện tử hay đi trà chanh chém gió luôn và ngay vui hơn là ngồi nhà nghe mẹ than phiền hay bố ca cẩm thôi. Thi thoảng cái đầu của họ nóng, thi thoảng nó lạnh, nhưng tim của họ thì lúc nào cũng lạnh.

Đừng bao giờ nhầm lẫn phán đoán theo cảm giác với phán đoán theo cảm tình, giai đoạn nâng cao tiếp theo của trí phán đoán. Khuynh hướng gắn bó với những đối tượng cho mình cảm giác dễ chịu tạo ra những mối quan hệ mà chúng ta vẫn gọi là yêu. Nhưng thiếu đi sự ưu ái và thiên vị, thiếu đi lòng tin cậy và sự biết ơn, những nhân tố thường gắn với giai đoạn thứ 3 của trí phán đoán trở lên, tóm lại, thiếu đi nhân tính, cảm tình lâu bền thật sự sẽ không xuất hiện. Người yêu khi đó chỉ là công cụ để thoả mãn 1 số nhu cầu có thể liệt kê ra được. Thân tình nhiều lúc chẳng là gì nhiều hơn 1 danh từ sáo rỗng. Tất nhiên, vì sự định hướng của 2 dạng phán đoán đầu tiên nằm ở mức hạ ý thức nên trong rất nhiều trường hợp, cá nhân mạnh 1 trong 2 dạng phán đoán này thường không hiểu vì sao mình bị mọi người chán ghét. Với tư cách 1 sinh vật có lối sống bầy đàn quần cư, chúng ta rất rất cần đến sự tồn tại của những dạng phán đoán cao hơn. Chẳng hạn, phán đoán theo cảm tình.

Bài viết này thuộc loạt bài 7 giai đoạn của trí phán đoán.

  Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Trí phán đoán số 1

1. Trí phán đoán số 1: Thường được tài liệu thực dưỡng gọi là giai đoạn máy móc, mù quáng. Hay là phán đoán theo phản xạ(Trong trường hợp cá nhân cần cách xử lý tình huống mới phát sinh.) Và hành động theo quán tính, thói quen. (Trong trường hợp cá nhân đã nhiều lần làm 1 loạt hành động nên tập thành thói quen đã làm là phải làm đủ bộ, nhưng chả bao giờ thử lý giải tại sao mình lại làm thế cả.) Tất cả các dạng phản xạ có và vô điều kiện đều thuộc dạng phán đoán này. Tính từ phản ứng tiết nước bọt khi nghe nhắc đến 1 loại trái cây chua, cho tới những phản xạ phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo như tung hứng chuẩn xác 1 vật. Nó và trí phán đoán số 2, phán đoán theo cảm giác là 2 dạng phán đoán chính của cơ thể vật lý. Cũng là 2 dạng phán đoán cho ra quyết định hay hành động nhanh nhất, thông thường là, nhanh hơn suy nghĩ. Những người nặng về trí phán đoán số 1, 2, 3 ở nước ta thường được các bạn trẻ gọi chung là hội não tàn, ra đường quên mang não theo, bị rơi mất não, đầu bị nước vào và nhiều danh từ thi thú khác.

Có 1 câu chuyện kể rằng, ngày xưa, thư viện lớn nhất thế giới là thư viện Alexandria ở Địa Trung Hải từng bị người Thiên Chúa Giáo đem ra đốt. Hoạt động hôi của khi thư viện cháy đã làm 1 số cuốn sách quý may mắn thoát nạn trôi nổi ra chợ đen. Một người đã may mắn mua được 1 cuốn sách quý trong đó. Cuốn sách nói về viên đá thần có thể biến chì thành vàng, và chỉ ra rằng nó nằm ở 1 bờ biển nọ. Ở đó có rất nhiều đá, nhưng viên đá này khác các viên đá khác ở chỗ bản thân nó có độ ấm tự nhiên toả ra từ bên trong. Người này liền sửa soạn đến cắm trại ở lâu dài bên bờ biển đã nói tới. Mỗi ngày, anh ta đi dọc bờ biển, nhặt từng viên đá lên, nắm thử vào tay xem nó có độ ấm không, nếu không có thì vứt xuống biển. Anh ta rất kiên trì, từ ngày này qua tháng khác, cứ nhặt đá lên, cầm trên tay 1 lúc, ném xuống biển, rồi lại nhặt đá lên, cầm 1 lúc, ném xuống biển, nhặt đá lên, cầm 1 lúc, ném xuống biển, nhặt, cầm, ném, nhặt, cầm, ném, nhặt, cầm, ném... Cho tới 1 ngày kia, anh ta nắm chặt 1 viên đá mới nhặt được lên và cảm thấy bản thân nó đang toả ra hơi ấm. Sau đó anh ta ném nó xuống biển. Sau đó...

Chậc, nói chung, đó là 1 câu chuyện kể về sức mạnh chi phối hành vi con người của thói quen, nhất là thói quen lâu ngày. Cá nhân tôi thì thấy anh ta đã gặp may mà không biết, vì khoa học thời nay cho biết nếu có 1 viên đá diệu kì như thế đúng là nó có độ ấm, bởi vì bên trong nó có phóng xạ, mạnh là khác. Nhưng mà nói như vậy thì hình như bắt đầu lạc đề. Nhiều người chửi rủa chê bai trí phán đoán số 1 mà quên mất rằng, trên đời này, cái gì cũng có ích cả, miễn là được đặt vào đúng vị trí cần nó. Với tư cách của loại phán đoán giúp đưa ra quyết định nhanh chóng nhất, trí phán đoán số 1 tham gia vào các quyết định chóng vánh mà ở đó ta để thói quen hay bản năng chi phối, không cần sự tham gia của não bộ. Thông thường, nó bị ức chế, cho tới khi cá nhân cảm thấy môi trường xung quanh là vô cùng quen thuộc, kích thích họ bung ra loại thói quen tương ứng.

Một trí phán đoán số 1 lành mạnh thì đi cùng 1 nhịp sống lành mạnh, phù hợp với đồng hồ sinh học của cơ thể. Con người không chỉ cảm thấy tự nhiên hơn khi về nhà hoặc ở giữa nhóm bạn thân, cơ thể họ cảm nhận được những thay đổi nhỏ nhặt từ thời tiết, thời gian, cảm nhận được, tuy không rõ ràng lắm nhịp điệu lên xuống của khí trong 12 đường kinh theo thời gian, cho nên khi vị khí trưởng, họ thấy đói, can khí trưởng, họ muốn luyện công, khụ, nhầm nhầm, muốn đi ngủ. Đa phần con người hiện đại bị rối loạn cảm nhận về thời gian, và 1 bài tập rất tốt giúp tổ chức lại thói quen này là sáng dậy sớm và dùng 1 bài thể dục hay Yoga để chào mừng mặt trời mọc.Hầu hết các truyền thống dưỡng sinh đều có dạng bài tập này.

Theo tôi dạng phán đoán này dễ tìm thấy nhất trong các phản xạ có điều kiện, và chính việc tuân thủ 1 loạt phản xạ có điều kiện theo 1 thứ tự xác định trong thời gian dài đã tạo thành cái mà chúng ta gọi là thói quen. Có người thấy trái mơ thì chảy nước miếng, có người thấy nó thì có cảm giác ê hết cả răng, đó chính là 1 loại phản xạ có điều kiện, đã được ghi nhớ tự động, có lẽ sau lần đầu tiên bạn cắn thử 1 trái chẳng hạn. Tuy nhiên, khi bắt đầu tiên quan đến việc chọn lựa theo chi phối của cảm giác dễ chịu hay khó chịu, nó đã chuyển kênh sang trí phán đoán số 2.

Dạng phán đoán bản năng, máy móc này trong cuộc sống không phải là ít. Ai đã từng xây nhà có thể sẽ đụng những bác thợ xây khéo tay và lành nghề nhưng sểnh 1 cái là xây theo ý mình chứ không theo thiết kế và chỉ dẫn. Những bà chủ quán sào sẻ, khéo mồm nhưng bạn vừa dặn dứt mồm bát cháu không cho mì chính nhé đã thấy 2 thìa to được đổ vào với tốc độ ánh sáng. Và một ông giáo sư khoa Triết nào đó đã đặc biệt mua 1 cái bô nhựa để đựng cơm đem đi làm, dù có phân tích cho cả khoa hiểu rằng loại nhựa này và nhựa làm bát đĩa nhựa là như nhau, chỉ có hình dáng là khác biệt, và cái bô này mới tinh, từ lúc mua về chỉ để đựng cơm thì rất nhiều đồng chí giảng viên học thức đầy mình vẫn cảm thấy dạ dày đang trào ngược mỗi khi nhìn giáo sư Triết Học ăn cơm. Nói chung, khi giáo sư dùng trí phán đoán số 4 thì cả khoa đều dùng phán đoán số 1, số 2 khi đối đầu với cái bô đựng cơm của giáo sư, cho nên có 1 sự thật là giáo sư có thể thoải mái mà ... ăn mảnh công khai.

Trước khi đi đến giai đoạn số 4 của phán đoán, cá nhân thường hành động mà không hề cân nhắc gì đến nguyên nhân và kết quả của hành vi. Trong những trường hợp tiêu cực, ta gọi đó là loại hành vi bất chấp hậu quả. Tôi không nói hành động bất chấp hậu quả là xấu, có đôi khi như thế rất dũng cảm, nếu cá nhân biết rõ mà vẫn chủ động dấn thân. Nhưng làm việc bất chấp hậu quả, rồi đến khi hậu quả đến lại ngoạc mồm ra kêu thì rất tệ. Người như thế đánh chết cũng không hiểu mình đã làm sai ở đâu. Cho nên cũng không hiểu nhân quả trên đời rất công bằng, họ luôn than thân trách phận khi gặp vận xui, đắc ý khi gặp thuận lợi, may mắn. Đương nhiên không thể hiểu được câu "kẻ biết mình không trách người, kẻ biết mệnh không trách trời".

Có lúc, không thèm để ý hậu quả việc mình làm cũng chả sao, hay ít ra, hậu quả nó không nhãn tiền. Nhưng có 1 câu chuyện kinh điển đã được đưa ra làm ví dụ khi giảng dạy về tâm lý con người thế này. Có 1 người không biết bơi và rơi xuống sông, anh ta hét to, cứu tôi với. Một người trên bờ nghe được đã nhao người ra lan can và hét to, đưa tay cho tôi, nạn nhân... đứng hình, không làm gì hết, sau đó chìm nghỉm. Không ai hiểu vì sao kẻ sắp chết đuối kia lại làm như thế. Còn các nhà tâm lý học thì phân tích, phân tích, sau đó đưa ra giả thuyết là vì anh ta là người cực kì tư lợi và keo kiệt, cho nên khi nghe thấy người ta bảo đưa cho người ta, anh ta liền... không làm. Tại sao? Ngại quá, quen thế rồi! Giá mà người muốn cứu anh ta bảo, nắm lấy tay tôi thì anh ta đã được cứu. Câu chuyện này có sức thuyết phục khá cao, cho nên như bạn thấy đấy, thói quen thâm căn cố đế có sức mạnh điều khiển con người sâu sắc và mạnh mẽ hơn họ tưởng. Những thói quen dạng này càng ăn sâu, khi rơi vào tình huống không thích hợp để sử dụng nó mà lại đem nó ra sử dụng, họ càng hay phải lãnh đủ thứ hậu quả. Với tư cách 1 người phương Đông, chúng ta có thể gọi loại thói quen và phản xạ tức thời này là 1 dạng của Nghiệp.

Những người sống không thuận tự nhiên thường có 1 loạt thói quen xấu, còn những người sống thuận tự nhiên thường có 1 loạt thói quen tốt làm tiền đề cho mọi loại phán đoán phát sinh ở đoạn sau. Từ chuyện tối mấy giờ đi ngủ, sáng mấy giờ dậy, có ngủ trưa không, 3 bữa ăn gì, có ăn vặt không, uống nước nhiều hay ít, có tập thể dục buổi sáng không, bao lâu đi tập Gym hay Yoga 1 lần, nằm nhiều hay ngồi nhiều hay đi lại nhiều, mỗi ngày có đọc sách không ...v.v... Có rất nhiều hoạt động trong cuộc sống rõ ràng phải tham khảo cái thời gian biểu cố định này thì mới có thể thuận lợi tiến hành.

Có 1 bộ phim câm của Charlie Chaplin diễn tả 1 người công nhân trong 1 dây chuyền sản xuất có công việc chuyên môn là vặn ốc vít, mỗi ngày anh ta dùng 10 tiếng đồng hồ để vặn, vặn, vặn. Dần dần, anh ta bị cái cờ lê ám ảnh, sau đó vớ được cái gì cũng đè ra vặn, vặn, vặn. Tất nhiên, thời nay công việc đòi hỏi độ chính xác cao đa phần đã giao cho Robot tự động tiến hành. Nhưng chúng ta đều biết con người hiện đại cũng làm nô lệ cho rất nhiều thói quen vô ý thức của mình, từ chuyện nhỏ như vứt rác ra đường, nhổ nước bọt, chen chen lấn lấn trong đám tắc đường làm đường càng tắc thêm dù không ai biết vội để đi đâu, cho đến chuyện lớn như... không muốn đưa cái gì cho ai mà tôi đã kể ở trên, và còn nhiều loại thói quen khác, có thể là bình thường, vào 1 ngày bình thường, nhưng sẽ trở nên đáng quan ngại, vào 1 thời khắc không bình thường. Đó là lý do, một người cần phải làm chủ nhân của trí phán đoán số 1 của mình chứ không nên để nó trở thành chủ nhân của họ.

Bài viết này thuộc loạt bài 7 giai đoạn của trí phán đoán.

  Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

7 giai đoạn của trí phán đoán

Có lẽ ai đã lăn lộn với những cuốn sách và tài liệu Thực Dưỡng 1 thời gian thì đều biết về cái gọi là 7 giai đoạn của trí phán đoán. Nhưng nên hiểu về 7 giai đoạn đó như thế nào? Trong vấn đề này, tôi đã gặp nhiều chú vẹt ưa dùng chúng như 1 cách ngắn gọn để phán xét người khác. Tôi không nói là chúng ta chỉ nên phán xét bản thân mà không phán xét người khác, nhưng người chỉ làm theo phán đoán của mình thì cũng chỉ quan tâm đến trình độ phán đoán của mình và lo nâng cao nó. Chỉ có người sống và làm theo phán đoán của người khác mới cần đánh giá trình độ phán đoán của người khác đến vậy.

Phán đoán, theo cách hiểu của tôi, không phải là cách lý giải sự việc. Nó là những đánh giá về hay dở tốt xấu theo tiêu chuẩn riêng của mỗi cá nhân. Con người dựa vào những đánh giá đó để xu cát, tỵ hung, gần lành, lánh dữ. Nếu phân tích theo Chiêm Tinh, lý giải sự việc là chức năng của Thuỷ Tinh, còn đánh giá là Kim Tinh và Mộc Tinh, còn 1 nhân tố nữa là Chiron, nhưng số người sử dụng được Chiron trên lá số của mình như 1 công cụ hiệu quả rất ít, phần đông mọi người cảm thấy mình bị những đánh giá không rõ ràng của thiên thể này làm phiền. Nói chung, chính những đánh giá này quyết định phương hướng cho đời người và nhiều lúc, nó không có liên hệ trực tiếp nào với chỉ số thông minh cùng bằng cấp của cá nhân cả.

Tất nhiên cuộc đời thật là 1 mạng lưới các ảnh hưởng và tương tác qua lại, nhưng nếu tự bạn biết thế nào là hay dở tốt xấu đúng sai thì thị phi không thể điên đảo mê hoặc được bạn. Con đường đi tìm tự do là con đường chỉ lệ thuộc vào phán đoán của chính bản thân ta và các nỗ lực nâng cao nó. Vì vậy, phán xét quá nhiều về người khác thực ra chẳng có chút tác dụng thực tế nào. Chúng ta không thể thay đổi thế giới mà mình đang sống. Nhưng bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể thay đổi thái độ và cách thức mà chúng ta sử dụng để đối mặt với nó. Cũng giống như việc 1 món ăn là ngon hay dở không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu ban đầu, mà còn phụ thuộc vào năng lực của người đứng bếp vậy.

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, trong 7 giai đoạn của trí phán đoán, giai đoạn sau đòi hỏi 1 mức độ tiến bộ trong khả năng nhận thức và xét đoán cao hơn, đi song song với nhiều phẩm chất tinh thần hơn để cân bằng nó, và giúp con người đối mặt với tình huống 1 cách linh hoạt hơn giai đoạn trước. Khi bạn cảm thấy mình đang ở 1 hoàn cảnh bế tắc, hãy tự khách quan nhìn nhận xem mình đang dùng trí phán đoán số mấy, sau đó, thử cố gắng sử dụng trí phán đoán ở mức cao hơn để tiếp cận lại tình huống 1 lần nữa, rất có khả năng cách giải quyết vấn đề sẽ xuất hiện. Tuy vậy điều này không có nghĩa là trí phán đoán bậc thấp là không cần thiết. Giống như 1 ngôi tháp nhiều tầng, đi lên tầng cao hơn thì bạn có 1 tầm nhìn bao quát rộng lớn hơn, nhưng ngôi tháp ấy vẫn cần có 1 cái móng vững chắc, và cái móng vững chắc ấy, trước hết và tiên quyết chính là 1 trí phán đoán số 1 lành mạnh, chính xác.

Việc ứng xử trước hoàn cảnh khó xử của người có trí phán đoán càng cao thì càng thỏa đáng. Tiên sinh Ohsawa cho rằng nên để người có trí phán đoán cao hơn lãnh đạo người có trí phán đoán thấp hơn thì tổ chức mới có thể phát triển theo hướng tích cực. Đảo ngược lại, khi cá nhân gặp phải hoàn cảnh khó khăn mà mức phán đoán quen thuộc của họ là không đủ để xử lý tình huống, họ chịu sức ép đòi hỏi phải nâng cao trí phán đoán của mình lên, tuy nhiên, cũng có người không làm được như vậy, khi mức phán đoán hiện tại không dùng được, họ chuyển qua dùng mức phán đoán thấp hơn, thực ra điều này cũng không xấu, vì nếu cá nhân cảm thấy tầng tháp đứng trên bất ổn thì có khả năng việc cần làm không phải là cố xây thêm 1 tầng nữa mà là chạy xuống gia cố tầng dưới, chỉ là nó không giúp họ giải quyết được tình huống. Vấn đề trí phán đoán không chỉ quan trọng cao hay thấp, mà chất lượng riêng của từng cấp độ của trí phán đoán cũng rất quan trọng. Trước khi nghĩ đến tăng trưởng trí phán đoán, con người cần củng cố cho chắc chắn các tầng phán đoán thấp hơn. Cố sử dụng dạng phán đoán quá cao trong khi nền móng trí phán đoán của bản thân yếu kém không chắc chắn là nguồn gốc của bệnh hoang tưởng và tiếp đó, chứng vĩ cuồng. Tôi sẽ phân tích vấn đề này kỹ hơn ở các bài viết tiếp theo về từng giai đoạn của trí phán đoán.

Và tôi xin được nhắc lại, đừng nhầm lẫn trí phán đoán với trí thông minh hay tài năng. Một người có IQ rất cao cũng có thể có trí phán đoán rất thấp và ngược lại. Người thông minh giỏi giang theo cách ta thường hiểu có thể ngậm ngùi mà rằng: "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen?" Nhưng người có trí phán đoán cao luôn tìm được cách ứng xử thích hợp trước mọi tình cảnh khó khăn trong cuộc sống và do đó, chẳng bao giờ thấy mình bất hạnh hay xui xẻo cả. Tuy rằng họ có thể thấy mình hơi bị vất vả và rất cần 1 thể lực siêu bền cùng hệ thần kinh thép. Cũng do vậy, 2 loại người quan tâm đến thuật dưỡng sinh nhất và nghiêm túc thực hành nó nhất, 1 chính là họ, còn 2, chính là mấy người dặt dẹo ốm o và sợ đau sợ chết.


1. Trí phán đoán số 1: Thường được tài liệu thực dưỡng gọi là giai đoạn máy móc, mù quáng. Hay là phán đoán theo phản xạ. (Trong trường hợp cá nhân cần cách xử lý tình huống mới phát sinh.) Và hành động theo quán tính, thói quen. (Trong trường hợp cá nhân đã nhiều lần làm 1 loạt hành động nên tập thành thói quen đã làm là phải làm đủ bộ, nhưng chả bao giờ thử lý giải tại sao mình lại làm thế cả.)

Đọc tiếp 


2. Trí phán đoán số 2: Bước qua giai đoạn đáp ứng phản xạ có điều kiện và hành động theo thói quen, chúng ta đến với giai đoạn có độ khó cao hơn của trí phán đoán, gọi là phán đoán theo cảm giác. Bây giờ vấn đề không còn cần chúng ta phải đưa ra cách xử lý ngay lập tức nữa, chiếc kim chỉ nam cho đúng và sai ở đây chính là cảm giác dễ chịu hay khó chịu có được tuỳ theo chọn lựa. Tóm lại, bây giờ thì quán tính là không đủ để đưa ra quyết định. Có lúc đáp án lại thuộc về câu trả lời cho câu hỏi làm sao cho sướng?

Đọc tiếp


3. Trí phán đoán số 3: Bước nâng cao tiếp theo của trí phán đoán chính là phán đoán theo cảm tình. Vấn đề tạo nên đặc trưng của loại phán đoán này là lúc nào nó cũng đi cùng với 1 quả tim nóng. Hay nói đơn giản hơn, nó đi cùng với cảm giác an tâm, ấm áp trong lòng. Để cho cảm giác ấy dẫn dắt lời nói, việc làm của mình.

Đọc tiếp


4. Trí phán đoán số 4: Để cảm tình riêng dẫn dắt trong rất nhiều trường hợp là không sáng suốt. Con người trưởng thành phải học được cách gạt bỏ cảm tình cá nhân sang 1 bên để xem xét 1 vấn đề và đưa ra nhận định, phán đoán, cách thức giải quyết theo lý trí. Chúng ta gọi dạng phán đoán này là phán đoán theo lý trí. Loại phán đoán hay bị người ta nhầm lẫn với tư duy logic nhất.

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


5. Trí phán đoán số 5: Những quy tắc ứng xử chung cần tuân thủ mà xã hội đặt ra cho mỗi cá nhân để tạo ra trật tự đòi hỏi ở cá nhân ý thức về giá trị tồn tại của cộng đồng, và chính vì tôn trọng thứ giá trị này mà cá nhân có động lực để tuân thủ luật chơi chung. Đó là cơ sở hình thành loại phán đoán thứ 5, hay còn gọi là trí phán đoán xã hội.

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


6. Trí phán đoán số 6: Trong trật tự và ổn định, sớm hay muộn, con người cũng nhận ra giá trị của những quy luật lặp đi lặp lại, có tính chất dự báo. Một cộng đồng cho dù lớn đến mấy cũng vẫn là nhỏ nhoi nếu so sánh với sức mạnh của tự nhiên, khả năng nắm bắt được quy luật vận hành của tự nhiên đem lại lợi thế to lớn không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Ở giai đoạn này, con người không cần chờ ai bảo cho biết mình phải làm gì. Họ chủ động tìm hiểu thế giới xung quanh và khám phá ra các quy tắc vận hành của chúng. Đó là giai đoạn phán đoán có ý thức phân biệt

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


7. Trí phán đoán số 7: Ở giai đoạn số 6, việc cao nhất cá nhân làm được là xu cát tỵ hung, tìm lành lánh dữ. Ohsawa gọi giai đoạn số 7 là trí phán đoán tối cao, bởi nó là trí phán đoán sinh ra từ hiểu biết về biến dịch, giá trị của biến dịch. Người có trí phán đoán số 7 có thể chuyển nguy thành an, gặp dữ hoá lành, thậm chí thay đổi vận mệnh...

Đọc tiếp (đang chờ cập nhật)


Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Cảm nghiệm về ăn số 7

Dạo này nhiều bạn PM hỏi, chứ ăn số 7 tốt không, tốt như nào, sao các bác cây đa cây đề người khen người chê làm bọn hậu bối cứ loạn cả óc lên thế. Trước khi đi thẳng vào việc trả lời câu hỏi này, mình xin mượn tạm 1 câu trong công án thiền đại ý thế này: "Vịt lạnh thì nó lặn xuống nước, gà lạnh thì nó đậu trên cây" Diễn dịch nôm na ra có nghĩa là tuỳ trường hợp mà liệu cơm gắp mắm.

1. Ăn số 7 rất tốt, nếu áp dụng cho đúng đối tượng, đúng trường hợp.
2. Đừng nhìn vào mâm mà hỏi ăn thế có quân bình không, bạn phải nhìn vào... phân của bạn (không phải của thằng khác, không phải của thầy nhé)
3. Tiên sinh Ohsawa luôn bảo các bạn không cần phải làm 1 kẻ tôi bảo sao tin vậy, các bạn phải thử nghiệm, phải suy xét, phải ngẫm nghĩ về những gì tôi nói đã, lúc đó nếu thấy đúng thì theo. Kết quả câu gì tiên sinh nói mọi người cũng tin luôn, chả nghĩ nhiều, trừ câu này.
4. Đáng lẽ câu đầu tiên các bạn cần hỏi phải là mấy cây đa cây đề ấy đã ăn số 7 bao giờ chưa, ăn bao nhiêu ngày, cảm giác thế nào, tại sao họ thấy tốt, tại sao họ thấy không tốt?

Mục tiêu của số 7 không phải là gạo lứt và muối mè, mục tiêu của nó là chứng minh 1 công thức ăn giản dị nhất, nhưng quân bình là hoàn toàn đủ để đem lại cho con người sức khoẻ, trí óc minh mẫn, tâm trạng thăng bằng, cảm giác viên mãn và hạnh phúc. Nhưng mà thế nào là quân bình? Người Nhật, người Mỹ, người châu Âu, những nơi áp dụng số 7 như 1 chế độ ăn quân bình đều có khí hậu ôn đới. Còn nước ta, có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tất nhiên, theo quy tắc ăn thực phẩm tại địa phương thì gạo nước ta âm hơn gạo trồng ở các nước ôn đới. Nhưng mà, chủng loại gạo cũng nhiều, gạo trắng, gạo đỏ, gạo đen, gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, mỗi loại mức độ dương tính cũng khác nhau. Sau đó lại xét tới tạng người, có người tạng âm cần ăn dương hơn, tạng dương cần ăn âm hơn. Mùa hè cần ăn âm hơn, mùa đông cần ăn dương hơn. Trời mát có thể ăn dương hơn, trời nóng thì ăn âm hơn. Cho nên kể cả là ăn số 7, cũng phải chọn ra loại gạo, loại vừng và tỷ lệ muối thích hợp để tạo ra 1 công thức ăn quân bình thực sự. Và nó có quân bình hay không, chúng ta sẽ xem xét thông qua quan sát đầu ra, tức là phân của người ăn. Phân nát là âm cần ăn dương hơn, táo rắn là dương cần ăn âm đi. Nếu đầu phân rắn đuôi nát là táo do âm, thường xuất hiện ở người ăn chay lâu ngày, phải trị bệnh ứ trệ của đường ruột trước rồi hẵng ăn số 7, chế độ ăn phải có những loại thực phẩm hay gia vị có tính ấm như nghệ, gừng, hồi, quế, thảo quả. Những người bị táo âm cần thận trọng khi dùng rong biển, vì thứ này tính hàn.

Trước khi biết đến Thực Dưỡng, tôi từng tập ngồi Thiền 1 thời gian. Cái thứ tâm an lạc sinh ra khi thiền định mà mọi người hay dùng mỹ danh là kinh nghiệm tâm linh ấy, nói thành thật là so với cảm giác nhìn thấy giai đẹp và rung rinh trong lòng, thấy giai cười mà tim bay bay hồn say say, thì còn mạnh hơn nhiều, phê hơn nhiều. Cho nên có 1 thời tôi cũng "cuồng thiền" ra trò. Còn tâm trạng "cuồng giai" với vì yêu sinh hận thì nói thật, tôi không hiểu lắm, chả lẽ nó giống như lời 1 bài hát nhảm hồi bé tôi được dạy: "10 đồng 4 chiếc kem, ăn xong mới chết thèm, cha bố cái thằng bán kem đến đây cho bà chết thèm, bà về bà mài dao găm sáng mai ra chợ đâm nhau". Maybe?

Cho nên là, có 1 lần tôi đã cho 1 bạn trẻ thất tình đang đau khổ quạ không biết làm sao 1 lời khuyên sấm sét nghe đến là hoang đường lại thiếu cơ sở lý luận khoa học thế này. "Về nhà bà Lý xin ở nhờ 2 tuần, tắt hết điện thoại, liên lạc các kiểu rồi dứt khoát ăn số 7 trong 2 tuần ấy đê. Mày sẽ qua khỏi." Hôm đó có n người đã chứng kiến lời khuyên của tôi, nhưng 1 người làm theo, tức là về nhà thử ăn số 7 cũng không có. Rõ khổ, tôi biết họ không tin, nhưng thử ăn số 7 độ 2 tuần thôi đâu có chết người? Mà cho là tôi lừa họ đi chăng nữa, làm như tôi bám theo họ về tận nhà theo dõi để xem họ mắc lừa thế nào không bằng. Cho nên mỗi khi quảng cáo về cái hay cái đẹp của số 7 mà người ta không tin, không thử, tôi thường kết luận là họ chưa đủ bất hạnh để có thể sẵn sàng bấu víu vào bất cứ thứ gì nghe đồn là có ích (không chừng người ta lại còn có cả cái thú đau thương). Vì cái kết luận máu lạnh này mà tôi bị người ta tốc váy lên chửi không biết bao nhiêu lần.

Sự thực là, cái tâm trạng khi yêu nó không phê bằng tâm trạng khi thiền, mà tâm trạng khi thiền ấy thì tuy phê bằng, nhưng độ ổn định thì không cao bằng tâm trạng khi ăn số 7 nhiều ngày (ai muốn thử, làm ơn thử vào mùa đông, hoặc nhớ chọn loại gạo hạt dài mà nấu cơm, đừng nhân tiết trời bây giờ mà dương hoá cơ thể quá lố lên rồi bảo tôi nói láo, cảm ơn).

Lý luận của tôi là, có ai được mời vào nhà hàng 5 sao danh xứng với thực ăn phủ phê 1 trận xong còn nhớ mãi không quên cái bánh mì không người lái mua ở vệ đường đã bị 1 đứa sắp chết đói giật mất không? Có ai đang no xôi chán chè mà nuốt nước miếng hay chảy dãi khi nhìn thấy 1 món ăn ngon hay ngửi thấy mùi thức ăn quyến rũ không? Vậy nếu người ta có thể vì tình mà đấu đá với cả gia đình, tại sao lại không thể vì số 7 mà đấu? Tôi e là vì người ta sẽ không bị tiếng sét ái tình với số 7. Nhưng ai đã từng có duyên ăn số 7 dài ngày 1 lần mà không bị ngăn cấm, thì sau đó thường chấp cả họ luôn.

Trong số bạn thực dưỡng mà tôi quen, tôi nhớ là chỉ khuyên được có 1 người ăn số 7, 1 người nữa lúc còn khuyên tử tế thì không ăn, nghe đồn sau khi bị tôi chửi bới tơi bời và không thèm nói chuyện nữa thì có ăn, 1 người nghe tôi khuyên thì không ăn, sau nghe 1 cô khác khuyên thì ăn. Tất cả những người còn lại, trừ những người từng ăn số 7 từ trước khi gặp tôi, đều ăn theo công thức số 8. (Lưu ý, 10 công thức của thực dưỡng được đánh số là -3,-2,-1. 1,2,3,4,5,6,7) Tóm lại, họ tin tưởng từng lời từng chữ của tiên sinh Ohsawa chỉ dạy, nhưng làm theo thì không. (Nói chung với họ giáo lý là để thờ, không phải để áp dụng)

Người duy nhất từng tiếp thu lời khuyên của tôi nhanh gọn lẹ sau bị cuồng số 7 luôn, còn ủ mưu cả đời ăn số 7 không cần thêm cái gì nữa, sau vì ăn số 7 chặt quá nên bị lở miệng 1 trận, nhưng vẫn quyết tâm miệng có thể lở, số 7 không thể bỏ. Tôi khuyên cô ấy nên ăn ra, chỉ cần ăn chay và chú ý quân bình thôi nhưng cô không nghe, tôi nghĩ thôi thì cứ chờ đến khi ăn số 7 mà không thấy an lạc nữa thì may ra cô nghĩ lại. Sau đó chúng tôi cũng mất liên lạc. Cũng 7-8 năm không gặp rồi, chả biết cô ấy đã ăn ra chưa.

Về lịch trình áp dụng số 7 của tôi, thành thật mà nói, ngoài 1 đợt ăn ròng rã 2 tháng số 7 duy nhất, tôi không hề áp dụng nó dài ngày lần nào. Từ hồi đó đến giờ, lâu thì tôi ăn được 2 bữa cơm liên tục là đúng chuẩn số 7, ít thì 1 bát là số 7, 2 bát còn lại, số khác. Với tư cách 1 người thực hành Thực Dưỡng và nghiên cứu Chiêm Tinh, quan điểm của tôi là Chiêm Tinh có thể cho bạn công cụ để biết mệnh, nhưng muốn sửa mệnh thì cái bạn thực sự cần là Thực Dưỡng. Mà áp dụng Thực Dưỡng cho đúng, không thể thiếu ít nhất 1 lần ăn số 7 dài ngày để đánh giá hết giá trị của nó, và cả triết lý xuyên suốt của Thực Dưỡng về sự quân bình, về cái gì gọi là đơn giản, hợp lý chính là đạo.

Nếu có 1 người chê số 7, theo ý tôi hoặc là đời họ đã đủ vui, không truy cầu gì thêm, hoặc là đầu óc họ có vấn đề. Cho nên tôi mà thấy người nào trên mặt có 2 chữ phiền não rõ to mà chê số 7, tôi liền mặc định là đầu óc họ có vấn đề. Còn người nào trên mặt có 2 chữ phiền não to oành mà khen số 7, khả năng cao là họ đang nói dối. Cá nhân tôi thì biết có 1 số cây đa cây đề trong ngành buôn bán hàng hoá Thực Dưỡng chê số 7, mà cả đời chưa bao giờ ăn được 1 bữa nào theo số 7, tóm lại, thực ra chẳng biết nó là cái gì đã ngoạc mồm chê. Thật muốn bình 1 câu "có phúc mà không biết hưởng thì khổ đừng đổ tại số"

Trên mảnh đất lắm người nhiều ma gọi là Thực Dưỡng Việt Nam này. Bạn có nhiều cơ hội để bị lừa, nhưng cũng có thể coi đó là động lực để bạn phát triển trí phán đoán riêng. Và chỉ khi bạn thực sự nghĩ bằng cái đầu của mình, thì ứng dụng của âm và dương, cũng như tự do và hạnh phúc mới thực sự ở trong tay bạn. Cho dù lúc đó bạn đang ăn số mấy.

Bài viết này thuộc về trang Âm Dương và Ứng Dụng và blogger quybaba. Các bạn có thể lấy lại bài nhưng đề nghị dẫn nguồn bài viết đủ rõ ràng. Mọi hành vi sao chép 1 phần hoặc toàn bộ mà không dẫn nguồn hoặc đề nguồn bài viết bằng chữ quá nhỏ, tại vị trí quá khó thấy đều bị xem là ăn cắp.